Hiển thị các bài đăng có nhãn Phật Pháp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phật Pháp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

VÌ SAO NGƯỜI LƯƠNG THIỆN HAY GẶP NỖI BUỒN VÀ TRẮC TRỞ?

Một bài viết hay trên trang: Quà Tặng Cuộc Sống

Mời các bạn cùng đọc:

VÌ SAO NGƯỜI LƯƠNG THIỆN HAY GẶP NỖI BUỒN VÀ TRẮC TRỞ?

Tôi tìm đến một bậc thầy để hỏi lý dọ: “Tại sao những người lương thiện như con rất hay gặp khổ, trong khi những người ác sống vô lo quá vậy?”

Người thầy hiền hòa nhìn người một lúc rồi nói:
“Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, chắc trong tâm phải đang ôm giữ ác ý nào đó. Nếu một người nội tâm không có điều ác, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác”.
Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm giác như bị xúc phạm và không phục, tôi nói:
“Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!”
Thầy trả lời:
“Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con còn tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con”.
Tôi nói:
“Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái…”
Đọc thêm »

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

CHIẾC VÒNG CỦA MẸ

CHIẾC VÒNG CỦA MẸ
Tác giả: Cư sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Link xem và tải về:
 https://drive.google.com/file/d/0BxcCkMKXzznOU1ZFUmhwMml2c28/view?pli=1



Lời nói thêm:

TTL Blog đã đọc "Chiếc Vòng Của Mẹ" và hoàn toàn xúc động, như là một câu chuyện cổ tích đầy tính nhân văn. Blog TTL không làm Giáo dục nhưng yêu thích và tôn trọng Thầy Giáo, Cô Giáo biết thắp lửa và sưởi ấm cho thế hệ trẻ!


Các bài viết khác do Cư sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao gửi bài:

Truyện thơ Phật
Tượng Phật mang an lạc cho xóm làng OAKLAND
Chân Lý Trong Hận Thù
Chiếc vòng của mẹ
Đề nghị thống nhất chữ "Vạn" trong Phật Giáo

CHÂN LÝ TRONG HẬN THÙ

CHÂN LÝ TRONG HẬN THÙ
Tác giả: Cư sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Link xem và tải về:
 https://drive.google.com/file/d/0BxcCkMKXzznOTlRSTlRsbldTZTQ/view?pli=1



Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

NIẾT BÀN - Chuyển gữ Tâm Minh Ngô Tằng Giao

NIẾT BÀN

(NIRVANA IN A NUTSHELL
của SCOTT SHAW)

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
chuyển ngữ

 Lời giới thiệu
_______________________

     NIẾT BÀN, phỏng dịch theo nguyên bản mang tựa đề: “NIRVANA IN A NUTSHELL” của SCOTT SHAW, do Barnes & Noble ấn hành năm 2003.
     Tác giả Scott Shaw là một nhà văn điêu luyện, một nhà giáo, một nhà võ và đồng thời là một Phật tử thuận thành.
     Nội dung cuốn sách gồm có Lời Nói Đầu và 157 đoạn văn ngắn phản ánh sự suy tư sâu sắc về Thiền. Sách giúp người đọc nhân thấy rằng Giác Ngộ là một tặng phẩm, một món quà đã có sẵn cho tất cả mọi chúng sinh, ngay tại đây, ngay lúc này. Sách nhấn mạnh cho người đọc hiểu rằng chẳng ai có thể mang Niết Bàn đến mà dâng hiến cho mình được. Đó là một tặng phẩm quý hóa mà chính bản thân mình phải tự trao cho mình mà thôi. Niết Bàn là mục đích tối hậu của mọi người Phật tử. Muốn đat được điều đó thời phải tự mình chứng ngộ.
     Ước mong nội dung sách mang lại được nhiều lợi ích cho các người muốn tìm biết về Thiền, về Phật giáo và hy vọng rằng sau khi tham khảo cuốn sách tuy nhỏ bé này bạn đọc sẽ có được một cái nhìn rộng lớn hơn, chính xác hơn về đề tài liên hệ.
Nam Mô Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật.

Diệu Phương
(mùa VU LAN năm 2009)





Lời nói đầu
____________________

     Niết Bàn, cảnh giới mà bản thể cá nhân hội nhập với pháp giới và không còn đau đớn về thể xác, thống khổ về tinh thần hay những vấn đề không được thỏa đáp nữa.
     Niết Bàn, trạng thái hòa hợp thiêng liêng trong đó cái hạn hẹp của bản ngã vật chất biến đi để hiển lộ ra Phật tính tiềm ẩn trong khắp cả chúng ta. 
     Niết Bàn, từ ngữ gợi lên những hình ảnh của một vườn hoa ở trên thiên đường cực lạc với bầu trời xanh ban sơ, những dòng suối trong vắt như pha lê, phong cảnh đầy hoa đẹp đẽ và những vị khoác áo choàng như tiên thánh tản bộ thanh thản suốt khu vườn.
     Trong lịch sử, biết bao nhiêu người đã cố tìm hiểu Niết Bàn. Có người đã từ bỏ sự đời, lui vào ẩn tu, bỏ bao nhiêu ngày giờ để dấn sâu vào thiền định trong những hang động của Hi Mã Lạp Sơn. Những người khác thời đi bộ biết bao nhiêu là dặm đường, mỗi bước đi đều cúi đầu, mong thoáng nhìn thấy được cái vô hạn lượng.
     Niết Bàn, tại sao lại có vẻ xa xôi đến thế khi mà chúng ta được nghe nói rằng đó là cái gì mà chúng ta đã có sẵn.
     Niết Bàn xa cách bởi vì người ta cứ tuyên bố rằng nó cách xa. 
     Niết Bàn không thể hiểu rõ được, vì người ta cứ truyền phán mãi rằng nó là cái thành quả cuối cùng mà chỉ những vị thần thánh sùng đạo nhất mới nhận thức nổi. 
     Niết Bàn thời xa lắc vì trải qua biết bao nhiêu thế hệ những người chưa chứng ngộ cứ truyền bá đi cái sự sai lạc với sự thật rằng cần phải tu hành tinh tấn khổ hạnh đúng nghi thức trong nhiều năm trường mới chỉ có hy vọng nắm bắt được loáng thoáng bóng dáng cái ý thức thanh tịnh này.
     Niết Bàn được người ta nêu ra như một tham vọng. Và như ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm, tức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã từng dạy một cách uyên thâm rằng “nguồn gốc của khổ là tham dục.”
     Tham dục, ham muốn, đưa đẩy bạn xa cách với chân như tuyệt đối. Nó khiến bạn không hiểu được Niết Bàn. Chỉ vì khát vọng làm cho bạn tin tưởng rằng bạn không hề sở hữu một cái gì cả, do đó bạn phải loay hoay tìm kiếm mong thâu đạt cho bằng được. 
     Xin hãy bỏ ra ít thời gian để đọc những trang sách này, hãy buông xả hết mọi tham dục, khởi sự tiếp nhận sự thanh thản nội tâm và Niết Bàn sẽ chẳng còn xa cách, chẳng cần mong cầu nữa. Niết Bàn sẽ thị hiện chính nơi bạn.
    Niết Bàn hiện hữu.
    Chính là bạn đấy.
    Chính bản thân bạn hãy chứng nghiệm chân lý này.    
 *
  
Một
__________

Điều gì đã khiến cho bạn xa cách với Niết Bàn?

Phải chăng vì bạn không là một tu sĩ?
Phải chăng vì bạn không ở Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản
hay là Tây Tạng?
Phải chăng vì bạn không thiền định đủ?
Phải chăng vì bạn là một người xấu nết?
Phải chăng vì bạn mang ác nghiệp trong một kiếp trước?

     Niết Bàn có đấy.
     Là bạn đấy.
     Hãy thức tỉnh đi.


Hai
__________

Phải chăng Niết Bàn là cái gì mà bạn đạt được,
     hay Niết Bàn là bạn?

Nếu bạn có thể đạt được cái đó, thời bạn có thể mất đi cái đó.
Nếu bạn là cái đó, thời cái đó sẽ không bao giờ mất cả.


Ba
__________

Người ta làm đủ mọi thứ để tìm kiếm Niết Bàn:
     họ thiền định,
     họ nguyện cầu,
     họ từ bỏ những tài sản vật chất,
     họ tự chế tình dục,
     họ sống trong những hang động.
     Họ làm những chuyện kỳ lạ trên thân xác của họ.

Tại sao? Bởi vì họ tin tưởng rằng khi thể hiện những
hành động thể chất đó thì họ sẽ tìm thấy Niết Bàn.

Nhưng những hành động đâu có tương xứng với Niết Bàn.

Thể hiện một hành động để mong đạt được Niết Bàn
thì cũng chẳng khác gì người tin tưởng rằng một khi họ
đạt được một mục tiêu mong ước rồi thì họ sẽ không bao giờ còn ham muốn một thứ gì khác nữa. Nhưng ngay khi họ vừa đạt được điều đó, họ lại trở nên nhàm chán và tiếp tục
ham muốn thứ khác kế tiếp nữa.

Hành động vật chất sẽ không đưa bạn tới Niết Bàn.

Hãy là Niết Bàn và chẳng còn cần đến một hành động ngoại lai hay kỹ thuật nào khác nữa.
  
Bốn
__________

Quan niệm phải Nêu Rõ Mục Tiêu được nhiều người
hưởng ứng cho đó là một yếu tố cần thiết để hưởng
một cuộc sống đầy đủ.

Các tu sĩ đã coi Niết Bàn như là mục tiêu của họ từ nhiều thế kỷ nay rồi.

Nêu rõ những mục tiêu thì tốt đẹp đấy nhưng lại tạo ra
một bầu khí gò bó, không thể hoàn tất được.

Mỗi một mục tiêu, ngay cả cái mục tiêu giác ngộ, sẽ làm bạn xa với Niết Bàn.

Tại sao? Bởi vì khi bạn tin tưởng rằng bạn nên có được
một cái gì đó mà hiện tại bạn không có, không cần biết
cái gì đó thánh thiện thế nào chăng nữa, thời bạn sẽ
chẳng chứng kiến được cái vinh hiển và sự toàn thiện
của cuộc đời bạn ngay lúc này.

Hãy buông trôi các mục tiêu đi và Niết Bàn tới.

 Năm
__________

Mọi cuộc đời đều biến chuyển.
Mỗi phần tử của vũ trụ này đều chuyển động không ngừng.

Nhờ khoa học chúng ta biết được rằng mọi vật chung quanh chúng ta, từ nguyên tử bé nhỏ nhất cho tới hành tinh to lớn nhất, đều ở trong một trạng thái biến chuyển liên tục. Đa số chuyển động này mắt con người không thể nhận thấy được.

Tất cả các chuyển động này hòa hợp một cách toàn hảo.
Nếu không có sự hòa hợp toàn hảo, cái nơi mà chúng ta
gọi là đời sống này sẽ ngưng tồn tại ngay tức khắc.

Nếu mọi vật chuyển động hài hòa, bạn cũng phải chuyển động và tiến triển một cách tương ứng mà ta không thấy.

Vì hiểu được là Vũ Trụ chuyển động hài hòa – điều này khiến cho bạn biết ra rằng mọi thứ xảy ra đều có một nguyên nhân. Như vậy, mọi thứ xảy ra đều đã tiếp tay vào trong sự toàn thiện phát triển thêm mãi của Vũ Trụ.

Vì bạn là một phần vận chuyển trong sự trọn vẹn của vũ trụ này, mọi điều xảy ra cho bạn, dù có thương đau đến đâu chăng nữa, cũng đều theo đuổi một mục tiêu cao cả hơn và đưa tới một sự tốt lành to lớn hơn.

Niết Bàn là chuẩn nhận. Hãy bình thản, thoải mái và
chiêm nghiệm cái toàn hảo của sự giác ngộ hiển lộ.
  
Sáu
__________

Thông thường thời một tín đồ của một tín ngưỡng hay
một giáo phái đặc biệt nào đó tin tưởng rằng những
giáo điều mà họ theo đuổi là những thứ uyên thâm và
thánh thiện nhất và sẽ tiếp dẫn những người thực hành
giáo điều đó tới sự tự giác ngộ một cách nhanh chóng nhất.

Niết Bàn thì lại không có tín ngưỡng.


Bảy
__________

Người ta bước vào Con Đường Đạo vì một số lý do
không thể kể hết được. Một khi có khuynh hướng đó rồi
họ thường tham gia vào một nhóm tôn giáo đặc biệt nào đó. Những người gia nhập vào trong một giáo phái nào đó,
theo thời gian, sẽ tới lúc vượt trội lên, được kính nể,
được chức vị cao và có tiếng nói uy thế trong giáo phái
của họ.

Sự vượt trội, sự kính nể, chức vị cao và tiếng nói quyền uy không đưa tới giác ngộ.

Niết Bàn thì thầm lặng và không hiển lộ.


Tám
__________

Nhiều người tin tưởng rằng Niết Bàn là được giải thoát.

Tại sao bạn cần được giải thoát?

Nếu bạn được giải thoát – có chi khác biệt không?


Chín
__________

Người ta kiếm tìm giải thoát vì họ cảm thấy trống vắng trong cuộc sống của họ. Sự trống không này có thể
mang hình thức như là thiếu tình yêu, không mục đích, không thỏa nguyện và v.v...

Trong Thiền – người ta mưu cầu cái không.


Mười
__________

Sunyata là tiếng Phạn có nghĩa là Tánh Không –
một trạng thái vượt quá cái thực tại có thể lý giải được.

Sunyata được coi như là bực thang đá đưa tới Niết Bàn.

Tuy nhiên khi mà Sunyata trở nên một ham muốn
trong tâm khảm của kẻ cuồng tín và kẻ này hoạch định ra
những phương thức để mong thành đạt nó, thì cái mục tiêu tinh thần thực sự đã bị mất rồi.

Những ham muốn và những phương thức, nói chung, làm bạn xa Niết Bàn. Bởi vì những thứ đó trói buộc bạn phải hành động, không phải là để gỡ bỏ khỏi hành động.

Hãy buông xả các ham muốn.
Hãy quên đi các phương thức.
Hãy theo sát Tánh Không.
Sẽ biết Niết Bàn.

  
Mười một
_______________

Khi người ta bước vào Đường Đạo, họ thường hay phê phán những người chưa có khuynh hướng như thế hay là theo
một giáo điều khác.

Họ tin tưởng rằng bề nào họ cũng trội hơn.

Ngay khi tư tưởng đó dấy lên – cái trội hơn đã trở thành
cái kém hơn.

Tất cả chúng ta như thế nào thì chúng ta đều như vậy – mỗi con người phụng sự cái mục tiêu của riêng họ trong vũ trụỉ.

Không đơn thuần vì bạn đang bước trên Đường Đạo mà bạn có quyền phê phán những người khác.

Tất cả mọi người đều quan trọng trong cái vở kịch vũ trụ này như bạn vậy.

Không ai hơn hay kém.

Khi mà bạn nghĩ rằng bạn đã hiểu biết – xin thưa với bạn rằng bạn không hiểu gì cả.

Hãy thể nghiệm, nhưng hãy tĩnh lặng.

Biết, nhưng đừng nói chi.
Đây là bản chất thực sự của Thiền.


Mười hai
_______________

Khi người ta bước vào Đường Đạo họ thường mong cầu
sự dẫn dắt của một quyền lực cao hơn. Họ thường hay
tìm tới một Guru hay một vị Đạo Sư Tinh Thần để
được hướng dẫn vào con đường đi tới Niết Bàn.

Nếu tất cả chúng ta đều là chúng sinh và tất cả chúng ta đều có Phật tánh. Tại sao một người lại có cái mà
người khác không có?

Cái chi đã khiến cho người này vượt trội hơn người khác?

Có phải chỉ đơn thuần vì họ có những đệ tử?

Có bao nhiêu người, suốt trong lịch sử, đã khoa trương là nắm được bí quyết tới Niết Bàn nhưng về sau này lại bị phát giác ra là những kẻ giả mạo?

Nếu một người nào đó khoa trương rằng
họ nắm được bí quyết tới Niết Bàn –
hãy bảo họ trao bí quyết đó cho bạn ngay đi.


Mười ba
_______________

Bạn có thể lắng nghe cái mà người khác đã nói về
Niết Bàn.
Bạn có thể tôn thờ họ là những người hiểu biết vĩ đại.
Nhưng, nếu bạn chỉ hành động như thế mà thôi,
bạn chưa bước vào con đường đưa tới Giác Ngộ Bản Thân, bạn chỉ bước trên con đường của một kẻ sùng đạo.

Sự giác ngộ chỉ tới khi bạn ngưng đóng vai làm một đệ tử và khởi sự làm một người tự giác cho chính bản thân mình.


Mười bốn
_______________

Những người truy cầu giác ngộ thường hay tìm đọc giáo lý của các vị Thầy Xưa, tin rằng chỉ riêng các quý vị đó mới là những người giao giảng Giáo Pháp thực sự.

Các chuyện tích về sự đã hoàn tất và đạt được giác ngộ của những vị Thầy Xưa này thời rất dễ kể. Các quý vị này đâu còn trong thể xác của họ nữa.
Như thế, tiến trình hoàn tất giác ngộ của họ ta không thể nhìn thấy được.

Văn tự viết trong sách vở thì dễ nghe theo, khi bạn không hay biết các sai lầm thiếu sót của tác giả và không phải
nhìn vào tận mặt quý vị đó.


Mười lăm
_______________

Bởi vì Niết Bàn là một khái niệm trừu tượng, cho nên
người ta mới có thể gán ghép cho nó mọi loại tính chất
siêu hình đòi hỏi để đạt tới đó.

     “Sau khi đã đạt tới Niết Bàn vị thánh nhân này có thể thực hiện những phép mầu nhiệm để kiểm soát tâm tưởng của người khác và làm thay đổi dòng chảy của con sông.”

     Nếu có người nào đó có thể làm được chuyện này –
thì đã sao?

     Chuyện đó có làm cho thế giới thành một nơi chốn
tốt đẹp hơn không?

Có phải Niết Bàn là sự thực hiện những quyền năng huyền bí hay Niết Bàn là sẽ bao trùm sự vẹn toàn chung?


Mười sáu
_______________

Có nhiều người khoe khoang tự đắc rằng họ đã giác ngộ hoàn toàn và tuyên bố rằng họ đã vượt lên trên khỏi
sự cưỡng chế của đời sống vật chất này.

Lần sau bạn gặp một người nào trong nhóm đó,
hãy hắt một ly nước vào họ.

Để xem nước đầy vơi trong ly có làm cho họ bị ướt không?


Mười bảy
_______________

Khi có người hỏi Đức Phật:
“Ngài có phải là Thượng Đế hay không?”
Ngài trả lời:
“Không, chỉ bình thường là một con người mà thôi.”
“Vậy thì ngài có phải là một Đạo Sư hay không?”
“Không, chỉ bình thường là một con người mà thôi.”


Mười tám
_______________

Con đường đạo không phải là một cái hàn thử biểu.

Tâm linh không thể đem đo xem có thẳng hàng như một đường kẻ hay mức cao hơn hoặc thấp hơn.
Chúng ta tất cả đều hiện hữu – mỗi người đáp ứng mục đích riêng tư của chúng ta.

Bạn càng tiến được lên cao, bạn càng sẽ nhận thức được điều này.


Mười chín
_______________

Trải qua nhiều thế kỷ thánh nhân đi trên con Đường Đạo chấp nhận thiên nhiên như là Buddha Ksetra, “Phật Giới”.
Họ đã tin tưởng rằng khi sống gần gũi với thiên nhiên
thời Niết Bàn gần ngay trong tầm tay rồi.

Thiên nhiên có bề ngoài dịu dàng.
Thiên nhiên đượm vẻ trầm tĩnh.
Thiên nhiên hứa hẹn an bình và thanh thản.

Vẻ đẹp thời sẵn sàng hiển lộ ra trong thiên nhiên.
Thiền định cũng thực hiện dễ dàng trong thiên nhiên.

Tuy nhiên Niết Bàn vượt qua sự khơi động của thế giới
vật chất. Niết Bàn không bị chi phối bởi sự an bình hay không thanh thản của môi trường cảnh vật vây quanh.

Bạn chỉ có thể giác ngộ được trong thiên nhiên hay sao?
Không, sự giác ngộ thời có ở khắp mọi nơi.


Hai mươi
_______________

Sự khước từ – từ bao nhiêu ngàn năm người ta đã từ bỏ những tài sản vật chất của họ, mong cho mình được thoát khỏi sự cưỡng chế của cái thế giới vật chất để có thể
thực sự bước vào con đường đạo.

     Tài sản là cái gì?
     Những thứ vật chất tạm thời –
     chúng, tương tự như đời người,
     chỉ có thể tồn tại trong một thời gian hạn định thôi.

Bạn có thể từ bỏ chúng nếu bạn muốn.
Nhưng từ bỏ chúng thì có làm cho bạn được thánh thiện nhiều hơn không?
Không.
Đem cho chúng đi chỉ làm bạn trở thành người đem cho
mà thôi.

Niết Bàn không đạt được vì buông xả những thứ vật chất, làm như thế là chỉ trở lui lại sự tuần hoàn năng động của
thế giới vật chất.

Niết Bàn đạt được không vì buông xả hay nắm giữ
các tài sản vật chất.


Hai mươi mốt
_______________

Các nhu cầu của bạn là do tự ý bạn muốn hay không.

Bởi vì chúng là một sự chọn lựa, điều này có nghĩa là bạn không bị chúng ràng buộc.

Bạn có thể thay đổi các nhu cầu của bạn nếu bạn muốn.

Khi không có các nhu cầu – sẽ biết Niết Bàn là gì.


Hai mươi hai
_______________

Sung sướng đê mê không phải là Niết Bàn.

Sung sướng ngây ngất là mối cảm xúc được đẩy lên
tới mức độ tối đa.

Đê mê ngây ngất khiến người ta ham muốn
cái kinh nghiệm đó lại xảy ra nữa.

Cái ham muốn được ngây ngất đê mê đó đưa đến
sự xa cách Niết Bàn.


Hai mươi ba
_______________

Koan là một công án (một lời phát biểu ngắn dựa vào Thiền) thường nói đến thực tại tối hậu.

Tại sao? Bởi vì nó không nói đến gì cả.

“Cái giây phút trong cảnh mộng này không có chi cần phải chăm chú dòm ngó tới.”


Hai mươi bốn
_______________

Thiền là một con đường trừu tượng tiến đến sự giải thoát.

Tuy nhiên, biết bao nhiêu là Học Thuyết Thiền đã được viết ra để hướng dẫn cá nhân phải thực hành theo đó mà đạt được tới Niết Bàn.

Mặc dù nhiều giáo lý giống nhau,
nhưng nhiều giáo lý cũng khác biệt nhau.

Con đường dẫn đến Niết Bàn không giống nhau hay sao?
Điều mà người này diễn tả về Niết Bàn chẳng lẽ
lại không khác biệt gì với người khác hay sao?

Tại sao có những sự khác biệt như thế?

Bởi vì những kẻ đã viết ra những học thuyết đó cũng không biết gì.

Họ chỉ khai triển cái ảo tưởng về Niết Bàn – làm cho nó là một cái gì đó không thể đạt được.

Niết Bàn thời dễ dàng.

Chính việc đi theo tất cả những con đường dẫn tới Niết Bàn mới khó khăn mà thôi.


Hai mươi lăm
_______________

Người ta trở nên khó mà chứng ngộ được Niết Bàn
bởi vì sự xúc cảm mãnh liệt trong cuộc sống thường ngày.

Phải đi làm nhiều việc vì phải trả bao nhiêu là giấy nợ.
Phải chịu nhiều sự nhượng bộ vì các quan hệ giao thiệp.

Nếu bạn có thể tới một nơi nào khác biệt, làm một việc gì  khác đi – ở một nơi mà bạn được tự do, làm cái gì mà bạn ham thích...

Được làm cái gì mà bạn muốn thời có tương tự như
sự giác ngộ hay chăng?

Không, Niết Bàn có ngay nơi bạn đang ở,
làm cái mà bạn đang làm.


Hai mươi sáu
_______________

Ngừng lại.
Hãy đi ra ngoài.
Hãy đi xuống con phố đông đúc nhất mà bạn biết.
Hãy tha thứ.
Hãy chấp nhận.
Hãy nhìn thấy tình yêu thương ở khắp mọi nơi.
Hãy quan sát sự hoàn hảo của các thành phần luôn hòa hợp với nhau của chính cái thế giới độc nhất và thú vị này.

Thế giới này thời hoàn hảo – nếu bạn nhìn nó là hoàn hảo.

Tất cả các hành động của bạn, tất cả các cảm xúc của bạn đều hoàn hảo.
Tất cả các hành động và cảm xúc của người khác cũng hoàn hảo – dù cho bạn không thích những thứ đó. 
Mọi thứ đều hoàn hảo và hòa hợp tuyệt diệu với vũ trụ.

Hãy nhìn thấy sự hoàn hảo khi bạn tiếp xúc với thế giới.
Chấp nhận sự hoàn hảo thời ở khắp nơi đều là Niết Bàn.


Hai mươi bảy
_______________

Người ta thường cho rằng nếu họ chỉ cần được giác ngộ
thời mọi thứ trong cuộc đời họ sẽ đổi thay.

Nếu bạn đạt được Niết Bàn rồi, có gì khác biệt hay không?

Bạn sẽ không cần ăn, uống hay ngủ nữa sao?
Bạn sẽ không cần một nơi để sống nữa sao?
Bạn sẽ không cần tiền bạc hay phương tiện gì để cung cấp mọi thứ cho cái thân xác của bạn nữa hay sao?

Niết Bàn tương đương với sự chuyển hóa – đúng như thế.
Nhưng đời sống là đời sống – một thân xác con người là
một thân xác con người.

Hãy nhớ câu Thiền cổ xưa,
“Trước khi giác ngộ – chẻ củi, xách nước.
Sau khi giác ngộ – chẻ củi, xách nước.”


Hai mươi tám
_______________

Tiếng Phạn Maya được dùng để mô tả ảo tưởng.
Điều đó ghi nhận rõ ràng rằng mọi thứ trong cuộc đời,
     mọi sự trong cái thế giới này, là ảo ảnh – không thực sự
     hiện hữu. Nó chỉ đơn thuần do cái tâm mê mờ của chúng  
     ta phóng chiếu ra mà thôi.

Nhưng, như vậy thì cuộc đời là cái gì?
Tại sao chúng ta tin tưởng rằng chúng ta hiện hữu?

Có người nói rằng điều này tạo cho chúng ta cơ hội
để lại hiểu rằng chúng ta thực sự đã giác ngộ.

Nhưng tại sao còn thắc mắc nếu chúng ta đã giác ngộ rồi?

Maya chỉ dẫn thêm rằng nếu bạn không nhận thức thấy là
bạn đã giác ngộ thời điều đó cũng là một ảo tưởng. 

Maya là một khái niệm.
Cuộc đời là cuộc đời.
Ảo tưởng tối hậu là không có ảo tưởng chi cả.

Hãy là Niết Bàn và Maya sẽ trở nên người bạn của bạn.


Hai mươi chín
_______________

Sự am hiểu là cái gì?

Có phải là một sự việc được nhiều người chứ không phải chỉ được một người thừa nhận mà thôi?

Có nhiều người đã từng thừa nhận rất nhiều thứ – tin tưởng rằng những điều đó là chân lý, nhưng chỉ sau một thời gian và sau khi đã có kinh nghiệm mới khám phá ra rằng những điều mà họ thường tin tưởng nay lại thành sai lầm.

Không phải vì người ta cho rằng một lý tưởng là xác thật mà khiến cho lý tưởng đó trở nên xác thật. Dù cho quan niệm đó được nêu ra trước đây lâu đến mấy chăng nữa.

Chân lý là cái gì mà bạn chứng nghiệm được là thật.


Ba mươi
_______________

Tất cả mọi sự nhận thức của bạn đều được quy định rõ
bởi một danh sách gồm nhiều yếu tố:
     văn hóa của bạn,
     địa vị kinh tế của bạn,
     những kinh nghiệm sẵn có của bạn,
     tình trạng xúc cảm của bạn trong một lúc nào đó,
     và tình hình chính trị thế giới, tạm kể một ít vậy thôi.

Nhận thức không phải là sự thật.
Chúng chỉ là những nhận thức.

Sự thật vượt khỏi cái tạm thời.
Sự thật tồn tại trong địa hạt vượt ngoài lý trí.

Hãy buông xả đi và sẽ biết được chân lý.


Ba mươi mốt
_______________

Thực tại của mỗi người đều khác biệt nhau.

Dù bạn có thể đang sống trong cùng một thế giới, cùng một quốc gia, cùng một thành phố, ngay cả cùng một nhà hay cùng một phòng như một người khác – kinh nghiệm sống của họ thời khác biệt với những kinh nghiệm của bạn.
Họ đã trải qua những nếp sống dị biệt.
Họ là họ.
Bạn là bạn.

Hiểu được như thế, Niết Bàn còn có giống nhau đối với
từng cá nhân một hay không?
Hay là Niết Bàn được mỗi người chứng nghiệm bằng
phương cách riêng của họ?


Ba mươi hai
_______________

Trong thiền định, tâm trí được huấn luyện để trở nên
nhất điểm trụ. Với sự tập trung trụ vào một điểm duy nhất thời tâm trí không còn bị loạn động. Người ta nói rằng
sự nhất điểm trụ này khiến cho một cá nhân có thể vén bỏ bức màn của Maya (ảo tưởng) và chứng nghiệm Niết Bàn. 

Nhất điểm trụ thật hữu ích. Nó giúp cho bạn cái khả năng tập trung sự chú ý của bạn một cách chính xác để
hoàn thành những mục tiêu ở đời.

Niết Bàn không phải là một mục tiêu trần tục.

Niết Bàn không thể xác định rõ được bằng bất cứ thứ gì
trong cõi đời.



Ba mươi ba
_______________

Ngài Bồ Đề Đạt Ma, vị thầy tu Ấn Độ, người đã có công
sáng lập ra dòng Thiền mới, đã du hành tới Trung Hoa
để trở thành Viện Chủ của Tu Viện Thiếu Lâm thể theo lời khuyên dạy của vị thầy của ngài là Bát Nhã Đa La vào
thế kỷ thứ sáu.
Người ta kể rằng ngài ngồi thiền định, quay mặt
nhìn chăm chú vào một bức tường trong suốt chín năm trời.

Ngồi trước một bức tường trong chín năm trời thời có đạt được gì không – Sự giác ngộ hay sao?

Niết Bàn luôn hiện hữu đấy.

Nếu bạn muốn ngồi trước một bức tường trong chín năm
để thực hiện điều này, xin cứ làm như thế đi.


Ba mươi bốn
_______________

Bạn có thích những gì mà bạn nhìn thấy không?

Nếu bạn không thích – hãy nhìn qua chỗ khác.


Ba mươi lăm
_______________

Một người tầm đạo soi vào trong tấm gương và nói,
     “Không, mình không xứng đáng.”
Một thầy tu soi vào trong tấm gương và nói,
     “Không, mình không xứng đáng.”
Một nhà buôn thành công, có sức hấp dẫn, trẻ tuổi,
đầy tự mãn, soi vào trong tấm gương và nói,
     “Ta rất xứng đáng.”

Sự khác biệt ở chỗ nào?

Từ bối cảnh trần tục, người ta tin rằng họ có thể có tất cả.

Từ bối cảnh tâm linh, người ta được truyền bá là phải
tin tưởng rằng kinh nghiệm tâm linh là một thành tựu xa vời mà con người cần phải tìm biết thêm, học hỏi nhiều thêm nữa, làm thêm nhiều điều thiện nữa trước khi họ có thể
có được cái hy vọng nhìn thoáng qua thấy cái tuyệt đối
xác thực.

Niết Bàn hiện hữu ngay tại đây, Ngay Bây Giờ,
còn bạn thời ở đâu thế?
Bạn đang suy tư rằng mình
không xứng đáng chút gì hay chăng?
  
Ba mươi sáu
_______________

Tại sao những người tầm đạo giác ngộ, trải qua hàng
bao thế kỷ, cứ thực hiện những hành động không tự nhiên để mong nhìn thấu được nội tâm, mong đạt được trí tuệ và mong được giác ngộ?

Bởi vì để hiểu được Niết Bàn, bạn cần phải vượt ra ngoài cái thông thường của cuộc sống hàng ngày và sự suy nghĩ dựa trên lý trí.  

Bằng cách vượt ra ngoài cái cuộc sống hàng ngày, bạn mới thể nhập được vào một thế giới trừu tượng.

Khi bạn thuận nhận cái trừu tượng – Niết Bàn lập tức được chứng ngộ ngay.


Ba mươi bảy
_______________

Nhiều kinh nghiệm diễn tiến trong cuộc đời khiến ta phải chịu đựng phiền muộn.

Khi bạn là một đứa trẻ và nếu không ưa thích một cái gì, thường là bạn biểu lộ sự không ưng ý của bạn bằng cách khóc lóc. 

Khi bạn lớn lên, bạn học được cách chế ngự tình cảm
của bạn và chấp nhận những tình huống mà bạn đặc biệt
không cảm thấy thoải mái: công việc làm ăn, điều kiện
sinh sống, các liên hệ trong xã hội và những thứ tương tự như thế.

Nếu bạn kể những điều này với người bình thường
họ chỉ đơn thuần nói với bạn rằng, “Đó là Cuộc Đời”
hay “Bạn đã trưởng thành rồi mà.”

Nhưng, có phải cuộc đời là như thế hay không –
chấp nhận những sự bực bội?

Nhiều người tự ép thân mình vào sự khó chịu bằng cách
luyện tập trong một phòng thể dục
hay ngồi thiền định trong nhiều giờ.

Đó có thật sự là con đường mang lại một thân thể
mạnh khỏe và một trí óc giác ngộ hơn hay chăng?

Nếu bạn bước ra ngoài những thứ mà
người ta chờ đợi nơi bạn,
nếu bạn đi xa hơn những thứ mà
xã hội đã hướng dẫn bạn phải làm,
bạn sẽ tìm thấy một thế giới hoàn toàn khác biệt –
được định rõ bởi một hệ thống quy luật hoàn toàn mới – một nơi mà ở đó không có phép tắc răn cấm.

Không quy luật = Niết Bàn.
  
Ba mươi tám
 _______________

Đôi khi bạn được hưởng niềm hạnh phúc thật là trọn vẹn.
Đôi khi bạn lại phải gánh chịu nỗi đắng cay tột cùng.

Bạn sẽ hành xử khác nhau như thế nào
trong hai tình huống đối nghịch trên?
  
Ba mươi chín
_______________

Nguyên do nguồn cội của cái không hạnh phúc là tham dục.

Tham muốn các sự vật mà bạn ao ước.
tham muốn người mà bạn khát khao,
tham muốn mọi thứ được nhiều hơn nữa, hoặc giảm bớt đi, hay khác biệt với tình trạng hiện tại.

Tham dục là tham dục.

Thật là giản dị – buông trôi lòng tham dục là bạn
được giải thoát.

Giải thoát rồi – có thể chứng ngộ được Niết Bàn.
  
Bốn mươi
_______________

Nếu bạn chuyên chú vào những cái mà trong cuộc đời bạn không có, thời bạn sẽ thấy rằng bạn liên tục thiếu thốn
một thứ gì đó:

hoặc là một địa vị,
tình yêu,
tiền bạc,
hay giác ngộ.

Cứ để cho cuộc đời xảy ra như nó đang diễn tiến.

Nhận thức và chấp nhận sự viên mãn trong từng giây phút.

Hãy nhìn chung quanh bạn, nhìn mọi vật như là bạn
chưa hề nhìn thấy chúng trước đây bao giờ.

Khi cuộc đời mới mẻ, quan niệm của bạn sẽ mới mẻ.

Niết Bàn hiện hữu khi có Niết Bàn.

 Bốn mươi mốt
_______________

An lạc nội tâm là một sự lựa chọn.

Thế gian sẽ gây ra cho bạn cả triệu lý do để không còn
an lạc nếu bạn cứ để cho những ngoại cảnh và các việc
tác động tiêu cực chế ngự cảm xúc của bạn.

Lần tới nếu bạn tự cảm thấy buồn bực –
hãy ngưng mọi việc lại.

Hãy tĩnh lặng.
Hãy để cho tâm trí nghỉ ngơi.
Đừng để cho những tình cảm nhất thời chi phối bạn.
Hãy tóm bắt chúng và nhìn chúng bay đi như
một con chim đẹp đẽ lướt ngang chân trời.
Hãy hiểu rằng không một ai hay bất cứ cái gì đã đưa đẩy bạn vào trạng thái không an lành này có thể chỉ huy cuộc đời của bạn.

Hãy tự cảm thấy an bình – ngay cả trong những biến cố bất an nhất thời sự giác ngộ sẽ đến với bạn.


Bốn mươi hai
_______________

Thiên nhiên thời tĩnh lặng trong cái hoàn hảo riêng của nó.
Thành phố thời huyên náo với một cường độ không dứt.
Bạn thời hiện hữu ở nơi bạn đang có mặt.

Hãy để cho tâm của bạn tĩnh lặng giữa cái cường độ náo nhiệt và bạn sẽ biết được Niết Bàn.


Bốn mươi ba
_______________

Nếu tất cả các vị thầy giác ngộ nói rằng việc chứng được Niết Bàn dễ dàng, vậy thời tại sao toàn thể cõi nhân gian không chứng ngộ được Niết Bàn?

Bởi vì cái khái niệm về Niết Bàn làm cho người ta
không hiểu ra được tính đơn giản của nó.

Người ta đọc sách, nghe truyện, và tin tưởng rằng
nhờ đó họ biết được Niết Bàn phải giống như thế nào rồi.
Truyện được kể cho nghe – không phải là những
kinh nghiệm đã thực chứng.

Niết Bàn không thể mô tả được.

Hãy quên đi mọi thứ mà bạn biết
và bạn sẽ nhận ra Niết Bàn.

 Bốn mươi bốn
_______________

Tự-Thực-Hiện không phải là Tự-Chứng-Ngộ.

Một cá nhân Tự-Thực-Hiện thường tập trung đến cách
thực hiện nhu cầu của mình, tìm phương cách để đạt được những thứ đó, và tìm cách làm sao để các cá nhân tác động lẫn nhau.

Một bậc đã Tự-Chứng-Ngộ thời thấu hiểu được rằng những nhu cầu và các tác động giữa các cá nhân đối với nhau chỉ tạm bợ như kiếp người. Như vậy, rõ ràng rằng khi mưu tìm những thứ đó thời con người đã xa cách Niết Bàn mất rồi.
  
Bốn mươi lăm
_______________

Tất Đạt Đa, Đức Phật Thích Ca, lần đầu tiên nhìn thấy sự nghèo khổ, sự bệnh hoạn, và sự tử vong, đã bỏ vợ và con mới sinh, bỏ cả cách sống vương giả để đi tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời. Ông đã du hành tại Ấn Độ trong bảy năm trời như một Sadhu (một thánh nhân lang thang), học hỏi các truyền thống tâm linh với hy vọng vén lên bức màn chân lý.

Thất bại vì không tìm ra được cái ý nghĩa tối hậu về cuộc đời ông ngồi xuống dưới một Cây Bồ Đề, ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, và thề rằng ông sẽ không đứng dậy cho tới khi ông đạt được sự giác ngộ.
Ba mươi ngày sau ông chứng ngộ rồi mới đứng dậy.

Có được bao nhiêu người qua hàng nhiều thế kỷ đã
thử làm như Phật đã làm – ngồi, chìm đắm vào cõi Thiền và đạt được giác ngộ?

Có được bao nhiêu người đã từng ngồi nhiều ngày,
nhiều tuần, nhiều tháng và ngay cả nhiều năm
mà vẫn chưa đạt được sự chứng ngộ?

Con đường dẫn tới Niết Bàn đều khác biệt với mỗi cá nhân.
Hãy tự hoạch định con đường riêng cho bạn.
  
Bốn mươi sáu
_______________

Tất Đạt Đa theo học với hai Đạo Sư đầu tiên trên con đường tầm đạo mong đạt Niết Bàn.

Arada Kalama đã dạy ông Akimcanya Ayatana,
“Kinh nghiệm về hư vô.”

Udraka Ramaputra đã dạy ông Naiva Samjna Asamjna Ayatana, “Kinh nghiệm về sự vô thức có ý thức.”

Tất Đạt Đa nhận ra nhiều khiếm khuyết trong cả hai bài giáo huấn này.

Ông ngồi xuống, tự tìm ra sự giác ngộ cho riêng mình,
và trở thành một vị Phật.
Sự giác ngộ của các vị thầy của ông không phải là
sự giác ngộ của ông.
Sự giác ngộ của ông không phải là sự giác ngộ của
các vị thầy của ông.

Sự giác ngộ của một cá nhân này
có giá trị hơn sự giác ngộ của một người khác hay không?


Bốn mươi bảy
_______________

Đức Phật không sáng tạo ra thiền định.
Ngài không tạo lập ra khái niệm về Niết Bàn.

Kinh qua những cố gắng của ngài, ngài đã thấu triệt được
Ý Thức Siêu Việt và nói về sự chứng đắc của ngài.

Mỗi cá nhân đều riêng biệt.
Không một sự chứng đắc của ai khác lại có thể là
sự chứng đắc của bạn được.

Nếu bạn cố bắt chước theo sự liễu ngộ của Đức Phật,
bạn cũng sẽ không tìm thấy Niết Bàn.

Niết Bàn chỉ chứng được khi bạn đích thân
có tác động hỗ tương với Ý Thức Vũ Trụ Luận.


Bốn mươi tám
_______________

Chữ Phật xuất phát từ nguồn gốc tiếng Phạn là Budh,
có nghĩa là “giác ngộ.”

Trong Kinh Điển Pali Phật Giáo ghi rằng có hai mươi tám vị Phật hay vị đã giác ngộ trước Tất Đạt Đa.

Có hai mươi tám vị trước đó, sau này thời có bao nhiêu?

Sự giác ngộ luôn sẵn sàng chờ đón.


Bốn mươi chín
_______________

Đức Phật Thích Ca dạy Tứ Diệu Đế (bốn chân lý cao cả):

1. Mọi chúng sinh bị trói buộc bởi Nghiệp.
2. Nguồn gốc của khổ là tham dục.
3. Khổ có thể được giảm thiểu bằng cách đạt giác ngộ.
4. Giác ngộ có thể đạt được bằng cách thực hành theo
     Bát Chánh Đạo (tám đường lối đúng đắn):
     1. Chánh kiến (hiểu đúng).
     2. Chánh tư duy (nghĩ đúng).
     3. Chánh ngữ (nói đúng).
4. Chánh nghiệp (làm đúng).
     5. Chánh mạng (mưu sinh đúng).
     6. Chánh tinh tấn (nỗ lực đúng).
     7. Chánh niệm (chú tâm đúng).
     8. Chánh định (tập trung tư tưởng đúng).

Xin tán thành...


Năm mươi
_______________

Có bao nhiêu Phật tử đã lầm lạc khi thực hành Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo?

Có bao nhiêu Phật tử đã tự cảm thấy tội lỗi thay vì tìm thấy Niết Bàn chỉ vì tâm trí của họ đã rời xa giới luật
trong những lời giáo huấn này và họ tự cảm thấy họ
không xứng đáng?

Đức Phật có dạy về tham dục và tội lỗi không hay ngài
chỉ dạy về con đường dẫn tới Niết Bàn? 


Năm mươi mốt
_______________

Giáo lý là sự hiểu biết của một cá nhân.

Giáo lý là đường lối chỉ đạo nêu ra bởi một người nào đó đã đi một con đường trước bạn.

Giáo lý thời lợi ích, nhưng những lời giáo huấn không phải là sự giác ngộ;
đó chỉ là sự chứng đắc của một cá nhân khác.

Hãy mưu cầu lấy Niết Bàn và có thể quên đi mọi giáo lý.


Năm mươi hai
_______________

Đức Phật dạy rằng vũ trụ nhất tướng, đồng một thể.

Thế Đức Phật có giống như các đệ tử của ngài không?

Không, ngài không giống.

Ngài là bậc thầy của họ.

Cái gì tạo ra sự khác biết giữa một đạo sư và
những học trò của ngài?

Khi mà người học trò trả lời được câu hỏi này,
thời không còn cần đến một ông thầy nào nữa,
và đã thấy được nhất tướng rồi.

Nếu bạn chưa giác ngộ thời lỗi tại ai – lỗi tại thầy của bạn hay sao?


Năm mươi ba
_______________

Nếu bạn tự ôm giữ cái khái niệm cho rằng tình trạng tâm trí của mình vui hay buồn là do người khác tạo ra, bạn đã lạc vào ảo tưởng rằng hạnh phúc là một cái gì đến từ bên ngoài mất rồi.

Bên ngoài luôn luôn là bên ngoài.
Một người khác có thể làm cho bạn vui,
     nhưng họ không là bạn.
Họ ham muốn cái mà họ ham muốn.
Một lúc nào đó họ có thể muốn làm cho bạn vui
     và cống hiến cho bạn sự thỏa mãn.
Cái gì sẽ xảy ra khi họ không còn muốn nữa đây?

Sẽ có hạnh phúc nội tại nơi nào mà bạn là chính bạn.
Nó không đến từ sự tạo tác bên ngoài của một cá nhân khác mang đến cho bạn với những lời kích thích vu vơ.

Cứ vui sướng một cách tự tại, bạn không cần tìm đến
những kinh nghiệm bên ngoài bạn.
Đừng tập trung vào ngoại giới, Chân Tánh sẽ hiển lộ.
Chân Tánh là con đường đưa tới Niết Bàn. 


Năm mươi bốn
_______________

Từ ngữ Zazen có nghĩa là “ngồi Thiền.”
Đây là một từ ngữ thường được dùng để mô tả tư thế
ngồi thiền chính thức.

Ngồi xuống, khoanh hai chân lại. Tập trung cặp mắt khép nửa chừng vào một điểm trên sàn nhà khoảng cách chừng một thước trước mặt bạn.

Mỗi khi thở vào, hãy đếm số, “Một.”
Mỗi khi thở ra, hãy đếm số, “Hai.”
“Một, Hai,” “Một, Hai,” “Một, Hai.”

Đừng để bạn phải suy tư gì.
Khi một tư tưởng đến trong tâm trí bạn, hãy dõi nhìn nó
bay đi như một con chim đẹp đẽ cuối chân trời.

Lại tập trung,
“Một, Hai,” “Một, Hai,” “Một, Hai.”


Năm mươi lăm
_______________

Thiền định thời tốt.
Nhờ thiền định bạn khai triển cho tâm trí được an tịnh
và tập trung.

Với một tâm trí an tịnh và tập trung,
bạn có được một sự an tịnh và tập trung trong tâm trí.

Một tâm trí an tịnh và tập trung có phải là kinh nghiệm về Niết Bàn hay không?

Không, một tâm trí an tịnh và tập trung chỉ đơn thuần là
một tâm trí an tịnh và tập trung.


Năm mươi sáu
_______________

Người ta ngồi Zazen (ngồi thiền) vì nhiều lý do sai lầm.
Họ ngồi để mong có kết quả – giải thoát.
Họ ngồi mong có kinh nghiệm – những ảo tưởng về vũ trụ.
Họ ngồi vì cái ta – “Tôi có thể ngồi không động đậy
     lâu hơn bạn.”
Họ ngồi để tán chuyện – “Tôi đã thiền định một thời gian 
     lâu rồi, cuối cùng tôi đã hiểu được những chân lý
     được nói tới trong những bài kinh.”
Họ ngồi để được coi như có vẻ thánh thiện – tất cả mọi
     vị  hiền triết vĩ đại đều ngồi thiền, phải không?

Zazen không là chuyện hiểu biết.
Zazen không là chuyện đạt thành quả     
Zazen không là chuyện nói năng.
Zazen không là chuyện thánh thiện.
Zazen không là chuyện làm một cái gì.
Zazen là nói về chuyện không thực hành chi cả.

Nếu bạn muốn thực tập Zazen,
đừng tìm kiếm,
đừng tranh cãi,
và nhất là đừng suy tư.
Bởi vì suy tư khiến cho bạn muốn mình trở nên quan trọng trong khi sự đơn giản vô ngã là cái tinh túy mà Zazen
có chủ tâm muốn nêu ra.

Hãy suy tư và hiện hữu.
Đừng vừa suy tư vừa “Ngồi Thiền.”
  
Năm mươi bảy
_______________

Khi thiền định, người ta nhắm mắt lại.

Họ tin tưởng rằng để thiền định họ phải
tự tách rời họ với thế giới bên ngoài.

Ngồi thiền định trong một vài phút
hay ngay cả trong nhiều giờ một ngày
có mang lại cho bạn Niết Bàn không?

Niết Bàn là chuẩn nhận mọi sự vật
chứ không phải là trốn chạy một cái gì hay chăng?  

 Năm mươi tám
_______________

Người ngồi thiền luyện tập để không suy tư gì cả.

Cái tư tưởng rằng không nên suy tư
vẫn còn là một tư tưởng.
  
Năm mươi chín
_______________

Thiền định ngăn cách bạn với sự giác ngộ.
Tại sao?
Bởi vì thiền định làm cho bạn nghĩ rằng
bạn đương làm một cái gì đó
để đạt được một cái tương đương – sự giác ngộ.

Làm một cái gì đó không thể tương tự với Niết Bàn được.
Niết Bàn chỉ được nhận thấy khi không hành động gì.

Đây là cái ảo tưởng lớn nhất về thiền định.
Gài bạn vào “Hành động,”
Tách bạn khỏi sự “Bất động.”

Hãy bất động.

 Sáu mươi
_______________

Những tảng đá ngồi lặng yên và không cử động.

     Vậy đá có giác ngộ không?
  
Sáu mươi mốt
_______________

Niết Bàn không thể chứng đắc được bằng cách bắt tấm thân của bạn phải ngồi trong một thời gian dài lâu theo một vài tư thế thiền định không thoải mái. Cách thực hành đó chỉ dạy cho bạn được kỷ luật mà thôi.

Kỷ luật về thể xác và tinh thần thời tốt, bởi vì điều đó khiến cho bạn duy trì được sự kiểm soát chính xác trong
đời sống vật chất thực tế. Nhưng kỷ luật về thể xác và tinh thần không phải là Niết Bàn mà chỉ là một thể xác và tinh thần có kỷ luật mà thôi.

Niết Bàn tới một cách tự nhiên.

Hãy để nó thâm nhập vào bạn
ngay nơi bạn hiện hữu – Ngay Lúc Này.
  
Sáu mươi hai
_______________

Một người ngồi xuống để thiền định và bị thất bại
vì không thể ngăn chặn được các tư tưởng nảy sinh.

Họ cho rằng mọi người chung quanh họ hiển nhiên là
thánh thiện hơn họ – dấn sâu trong thiền định. 

Thiền định là cốt để làm tĩnh lặng tâm trí bạn,
chứ không làm cho nó rối loạn hơn.

Hãy để tâm trí bạn được thoải mái.
Bản thân bạn thế nào thời cứ tự nhiên.
Bản thân bạn làm chi thời cứ tự tại.

Hãy để cho tâm trí bạn được tĩnh lặng
và bạn sẽ không cần tìm kiếm sự an tịnh này
bằng cách thiền định chính thức nữa.

Thiền định là để hiện hữu, không để trở thành một cái gì.
  
Sáu mươi ba
_______________

Một người đang yêu đương để tâm chăm chú vào người mình yêu thương.
Một nhạc sĩ để tâm chăm chú vào nhạc cụ của mình.
Một người lướt sóng biển để tâm chăm chú vào làn sóng.
Một nhà vật lý học để tâm chăm chú vào các sự tính toán của mình.
Một nhà khoa học để tâm chăm chú vào cuộc thí nghiệm của mình.

Còn bạn, bạn để tâm chăm chú vào Ý Thức Vũ Trụ
như thế nào?


Sáu mươi bốn
_______________

Cuộc đời trở nên một loạt liên tục những sự tái diễn bao kinh nghiệm trước đó.

Tại sao? Vì người ta đã biết những cái đó rồi.
Biết rồi – không còn gì mới lạ nữa.
Khi không còn gì mới lạ, thời không còn xảy ra những mối xúc cảm và kinh nghiệm gì thêm nữa.

Thiền định là một kinh nghiệm quen thuộc.
Vì là một kinh nghiệm quen thuộc nên sau khi thực hiện những giai đoạn tập trung tư tưởng sơ khởi thời chẳng còn gặt hái thêm được điều chi mới lạ từ đó nữa.

Đây là lý do mà người ta thiền định cả đời vẫn không thể giác ngộ được – họ tự giam hãm mình vào trong một
kinh nghiệm giới hạn mà họ đã quá tinh thông.

Thiền định không cần phải quen thuộc.
Nó có thể là điều mới lạ mỗi lần bạn ngồi thiền.
Bạn có thuận tình để nó được mới lạ hay không?
Bạn có tự cho phép mình làm quen với những kinh nghiệm mới phía sau những bức vách tường thiền định hay không?

Cuộc đời là sự lựa chọn của bạn.
Thiền định là sự lựa chọn của bạn.
Hãy thực hiện những cái mà bạn sẽ chọn lựa.
  
Sáu mươi lăm
_________________

Niết Bàn không phải là một cái “tôi” chủ thể.
Đó là lý do tại sao có nhiều người suốt bao thế kỷ qua đã kiếm tìm Niết Bàn nhưng không đạt được hạnh phúc đó.

Bạn không thể ham muốn Niết Bàn. Đó là tham dục.

Bạn không thể quyết định theo đuổi Niết Bàn.
Đó là làm một việc không thể đạt được.

Bạn không thể xứng đáng đạt Niết Bàn.
Như thế là thói tự cao tự đại.

Bạn không thể đòi hỏi Niết Bàn.
Như thế là lòng tham mãnh liệt.

Niết Bàn sẽ có, khi không có bạn.

Ngưng hiện hữu thì sẽ đạt được Niết Bàn.


Sáu mươi sáu
_______________

Bạn có thể tìm đường tới Niết Bàn
bằng cách suy tưởng hay không?


Sáu mươi bảy
_______________

“Bạn” không bao giờ có thể đạt đến Niết Bàn.
Bởi vì “Bạn” là một khái niệm của Cái Tâm Suy Tưởng
của bạn.

Cái Tâm Suy Tưởng suy nghĩ.
Cái Tâm Suy Tưởng là cái minh họa ra ảo tưởng.

Hãy ngưng nghĩ đến Niết Bàn.
Và Niết Bàn sẽ đến với bạn.


Sáu mươi tám
_______________

Bạn là gì?
Bạn có phải là cái tấm thân của bạn mà nó trở nên già lão và sau cùng là chết đi không?
Bạn có phải là cái tâm trí của bạn mà nó bị chi phối
bởi những xúc cảm và tham dục đổi thay chẳng ngừng
hay không?
Có lẽ bạn là một cái linh hồn, ẩn tàng sâu ở dưới tất cả
các hình tướng bên ngoài và tham dục chăng?

Hay là một tia sáng năng lực tâm linh thuần khiết
mà bạn chưa hề nhận thấy?

Nếu bạn hiện hữu, làm sao bạn nhận biết được?

Không phải đơn thuần chỉ vì có người nào khác đã nói với bạn rằng có một thực thể thanh khiết không trần tục tồn tại trong bạn, mà điều đó phải là một sự thật.

Khi mà bạn còn nhìn vào cái “Tôi” của bạn
thời khó mà có sự liễu ngộ được.

Hãy nhìn vượt lên trên cái “Tôi”
và bạn sẽ ngộ được Niết Bàn.

 Sáu mươi chín
_______________

Tất cả Vũ Trụ này,
từ hạt nguyên tử nhỏ nhất
tới hành tinh to lớn nhất đều dao động bằng một năng lực.
Bạn cũng rung động bằng cái năng lực này.

Những người tu hành du già thời xưa đặt tên cho cái
năng lực này là “Prana.”
Người Trung Hoa thời xưa gọi nó là “Chi.”

Hãy nhìn chung quanh bạn,
cảm nghiệm nhịp đập của năng lực trong mọi vật hiện ra trong tầm nhìn của bạn.

Hãy nhìn sự di chuyển của mây.
sự mơn chớn của làn gió vô hình,
sự vuốt ve của giọt nước mưa,
ánh nắng rực rỡ của mặt trời,
ánh sáng của một cái bóng đèn,
sự chuyển động của chiếc xe chạy qua.

Mọi vật, do người tạo ra hay không,
đều dao động bằng cái năng lực vô hình này.

Hãy bỏ cái rung động cá nhân của bạn đi.
Hãy hội nhập vào cái dao động của vũ trụ.
Sẽ gặp được Niết Bàn.


Bảy mươi
_______________

Ngưng lại!
Ngay bây giờ, ngay tại nơi bạn đang hiện diện.
Đừng nghĩ đến chuyện ngưng lại – chỉ việc ngưng ngay lại!

Hãy nhìn chung quanh bạn.
Hãy nhìn mọi vật như là bạn mới gặp gỡ nó lần đầu tiên.
Hãy nắm lấy giây phút này và thực sự khảo sát các vật thể chung quanh bạn, dù cho bạn biết rằng mình từng nhìn thấy chúng cả ngàn lần trước đây.
Hãy tạm quên sự hiểu biết của bạn và hãy nhìn ngắm cái vẻ đẹp sâu xa của từng vật thể dù nhỏ nhặt trần tục nhất của cái thế giới vật chất này.

Từ cách tập luyện đơn giản như vậy bạn sẽ bắt đầu
tự huấn luyện lại mình để nhận ra được cái đẹp không ngờ của Ngay Tại Đây và Ngay Lúc Này.

Bạn sẽ kinh ngạc vì sự nhận thức này của bạn.


Bảy mươi mốt
_______________

Nhiều người tin rằng họ có một cái gì đặc biệt và duy nhất để biếu tặng cho thế gian.

Nếu họ có thể thoát ra khỏi sự cơ cực của công việc làm ăn hàng ngày và những nghĩa vụ gia đình thời họ có thể
trao tặng cái đó cho đời.

Đời sống là đời sống.
Đó là một sự tác dụng hỗ tương toàn hảo của năng lực và mối tương quan.

Bạn đang dâng hiến cho thế gian một cái gì đó rất
quan trọng và duy nhất ngay bây giờ rồi – bởi vì bạn đang làm cái mà bạn đang làm.

Khi bạn đang làm cái mà bạn đang làm, thế gian
chuyển vận một cách toàn hảo.
Hãy lưu giữ sự toàn hảo.
Hãy buông xả mọi tham dục.
Và hiến dâng cho đời một cái gì đặc biệt – phát sinh ra
một cách tự nhiên.


Bảy mươi hai
_______________

Đối với quảng đại quần chúng, Niết Bàn là một trò đùa.
Đối với bậc đã giác ngộ, Niết Bàn cũng là một trò đùa.

Cùng một quan niệm – khác biệt quan điểm.
Hãy suy nghĩ về điều này...


Bảy mươi ba
_______________

Người có niềm tin tôn giáo coi những lúc gian truân như một cuộc thử thách và lúc tốt lành như một tặng phẩm.

Nếu bạn buông xả dục vọng bạn sẽ không phân biêt tốt với xấu nữa, bởi vì bạn sẽ hiểu được ra rằng tất cả cái đó chỉ là một quan điểm.

Làm sao mà những lúc gian truân lại là một cuộc thử thách khi mà bạn yêu thích chúng?                                           
Làm sao mà những lúc tốt lành lại là một tặng phẩm khi mà bạn yêu thích chúng với cùng một cường độ như là bạn
yêu thích lúc gian truân?
Hãy để đời sống của bạn trở nên đơn giản.
Hãy xem mọi tình huống như những biến cố dị thường
trên con đường của bạn tiến đến Niết Bàn.


Bảy mươi bốn
_______________

Nguyện cầu tương đương với thèm muốn.

Không thèm muốn gì cả.
Cầu nguyện không cần thiết.


Bảy mươi lăm
_______________

Những người có niềm tin tôn giáo thích tranh luận về giá trị của tôn giáo, môn phái, đạo sư và giáo lý của họ – cho rằng đó là con đường tối hảo và độc nhất
đưa tới Ý Thức Thanh Tịnh.

Những người đã giác ngộ không tranh biện.
Bởi vì những người đã giác ngộ không có chi cần
minh chứng cả.

Bởi vậy, những người đã giác ngộ không phải là những người có niềm tin tôn giáo.


Bảy mươi sáu
_______________

Nhà hiền triết không ham muốn
giàu có,
quyền lực,
danh vọng,
tình yêu,
sự giác ngộ.

Hết ham muốn, Niết Bàn sẽ mau chóng đến với người đó.

Bảy mươi bảy
_______________

Chữ Ku trong tiếng Nhật Bản có nghĩa là “Không”.

     Thông hiểu tiếng Ku sẽ thấy được ra rằng:
     Nếu bạn nghĩ là bạn hiểu, bạn không bao giờ hiểu cả.    

     Ku là nền tảng của Niết Bàn.


Bảy mươi tám
_______________

Không thể hiểu được Ku (Không).
Không thể định nghĩa được Ku.
Không có kỹ thuật nào có thể thực hành
để khiến cho bạn nắm bắt được Ku.
Vậy, Ku là gì?

Ku cũng trừu tượng như Thiền.
Ku không thể xác định đặc điểm được như là gió vậy.
Ku không thể sờ mó tới được.
Ku không thể nhận biết được.
Tuy nhiên, Ku là cốt tủy của Niết Bàn

Hãy buông xả mọi suy nghĩ của bạn.
Hãy buông xả mọi hiểu biết của bạn.
Hãy buông xả mọi định nghĩa của bạn.
Hãy đón nhận cái hư không thần thánh.
Và Ku sẽ trở thành chính là bạn.


Bảy mươi chín
_______________

Ku (Không) là yếu tố chủ yếu của Thiền.
Ku tách biệt bạn với đường lối mà bạn thường nghĩ rằng mọi vật phải là như vậy.

Bạn có thể nghĩ về Niết Bàn.
Bạn có thể mường tượng ra Niết Bàn thời như thế nào.
Bạn có thể thử đưa ra một định nghĩa về Niết Bàn.
Nhưng nếu bạn nghĩ đến Niết Bàn, bạn không hiểu đươc Niết Bàn rồi.

Ku là vô niệm, không còn suy nghĩ gì nữa.

Không suy nghĩ đến việc gì cả, bạn là Niết Bàn.


Tám mươi
_______________

Phần lớn dân số trên thế giới trải qua cuộc sống của họ trong một tình trạng vô ý thức. Họ biến chuyển từ lúc sinh ra cho tới lúc qua đời, đi từ một cái xúc cảm nhất thời này tới cái kế tiếp, lôi cuốn bởi tham dục. Khi đời sống của họ sắp trôi qua, họ thầm hỏi: “Cuộc đời đi về đâu?”

Ku đâu phải là sự thiếu ý thức.
Ku là sự nhận thức sâu xa,
     đạt được bằng sự tiếp cận một cách tỉnh thức
     với cái Tâm Không.

Tâm Không là gì?

Buông thả tín tâm.

Tại sao bạn phải từ bỏ tín tâm đi?
Vì lòng tin trói buộc bạn vào sự tin tưởng.
Sự tin tưởng là một cái gì mà bạn nghĩ rằng bạn hay biết.

Sự nghĩ suy đó không có liên hệ gì tới Thiền cả.

Thiền là sự thuận nhận Vô-Niệm, không tư tưởng.
Vô-Niệm là nơi mà bạn gặp được Niết Bàn.

 Tám mươi mốt
_______________

Có ý thức trở nên hư không
thời rất khác với chung cuộc thành hư không.

Thế nhân săn đuổi sự giàu sang, quyền lực, địa vị,
và ngay cả sự quang minh nữa.

Khi họ không hoàn thành được điều đó,
họ khinh miệt toàn thể nhân loại và trách cứ Nghiệp cùng Thượng Đế.

Việc gì sẽ xảy ra nếu họ không có ý theo đuổi cái gì cả?
Nếu họ không ham muốn cái gì,
thời họ sẽ phải trách cứ ai đây vì không đạt được điều đó?

Hãy tồn tại.
Hãy hiện hữu.
Và bạn như thế đấy.

Khi bạn thoải mái như thế đấy,
Niết Bàn sẽ có mặt.


Tám mươi hai
_______________

Những suy tư phát sinh ra các xúc cảm.
Các xúc cảm phát sinh ra tham dục.
Tham dục đưa tới các hành động.
Các hành động phát sinh ra Nghiệp.

     Nghiệp, luật nhân quả:
     bạn gieo gì, bạn sẽ gặt cái đó.

Ku giải thoát cho bạn khỏi Nghiệp
vì nghiệp là do hành động tạo ra,
hành động là do tham dục tạo ra,
tham dục bắt nguồn từ cảm xúc.

Hãy buông xả.
Hãy tìm hiểu Ku.


Tám mươi ba
_______________

Từ khi sinh ra chúng ta được huấn luyện để tiếp cận với
thế gian, sự suy tư, mối xúc cảm và các tình cảm.

Cá tính và văn hóa cung ứng cho chúng ta một số những tiêu chuẩn.

Bạn có thích như vậy không?
Bạn cảm thấy thế nào?

Các mối xúc cảm không phải là Thiền.
Các tình cảm không phải là Niết Bàn.


Tám mươi bốn
_______________

Một số cha mẹ tỏ ra có ý thức ở bậc cao hơn nên toan tính truyền thụ sự am hiểu của họ lại cho con cái.
Nhưng sự hiểu biết không thể truyền lại được.
Sự hiểu biết chỉ có thể tự bản thân mình nhận thức.

Khi bạn nghĩ rằng mình đã hiểu, như thế là bạn
chẳng hiểu biết gì cả.
Khi bạn toan tính truyền dạy những điều bạn thông hiểu cho những người không muốn lắng tai nghe,
thì bạn thật sự chẳng bao giờ hiểu biết gì cả.

Ku là đừng biết chi tới những điều bạn đã hiểu biết.


Tám mươi lăm
_______________

Bạn có thể bị chi phối bởi những ngoại cảnh
hay bạn có thể vẫn nguyên là chính mình.

Nếu bạn để chính mình bị chi phối bởi những sự vật vượt ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn sẽ mãi mãi ước vọng rằng các hoàn cảnh sẽ đổi khác đi.

Cái gì ở ngoài tầm kiểm soát của bạn?
Cuộc đời.

Cái gì ở trong tầm kiểm soát của bạn?
Bạn đã sống cuộc đời bạn như thế nào.

Hãy chọn lựa đi.


Tám mươi sáu
_______________

Người ta bỏ ra nhiều thời gian trong cuộc đời của họ để phấn đấu mong kiểm soát được các yếu tố khác nhau
chi phối đời sống vật chất của họ:
     họ sống ở nơi đâu,
     họ sống như thế nào,
     họ sống cùng với ai.

Nhiều người tin tưởng rằng nếu làm chủ được một hay nhiều những yếu tố chi phối ngoại lai này là họ có thể
bằng cách này hay cách khác đạt được tới tình trạng
hoàn mỹ và chẳng bao giờ cần phải tranh đấu để mong
đạt được thêm gì nữa.

Vì tin tưởng như thế, họ tạo ra sự bình thản trong nội tâm
và để cuộc sống luôn chạy theo ảo ảnh.

Khi mà bạn còn tập trung cuộc đời của bạn vào
một cái gì đó ở bên ngoài, dù là sự giác ngộ chăng nữa,
thời đời bạn sẽ mãi mãi là một cuộc tranh đấu.
Đấu tranh không bao giờ lại tương đồng với hòa bình.

Cái gì ở bên ngoài thời chẳng bao giờ trọn vẹn hay đầy đủ.
Tuy nhiên chấp nhận cái tình trạng chưa chắc đã toàn hảo của thế giới bên ngoài có thể khiến nó trọn vẹn và đầy đủ.

Hãy buông xả đi và sẽ hiểu.


Tám mươi bảy
_______________

Người ta viện dẫn đủ loại lý do để bào chữa cho những việc mà họ đang làm, không cần đếm xỉa đến các hậu quả
có thể xảy ra cho chính họ hay cho những người khác.

Tại sao?
Bởi vì cấu trúc của cái thế giới vật chất cho phép
chuyện đó xảy ra.

“Tôi phải kiếm tiền, đúng không?”
“Tôi cần một chỗ để ở, đúng không?”
“Tôi không thể bị người khác coi thường, đúng không?”

Những yếu tố bào chữa thông thường này chỉ nhắm để
biện minh cho những việc làm mà bạn muốn làm với bất cứ
giá nào – không cần xét xem là ai sẽ gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực ra sao vì hành động của bạn.

Công ăn việc làm của bạn đã ảnh hưởng đến cõi đời
chung quanh bạn như thế nào?
Những cái mà bạn đang làm để thỏa mãn tham dục của bạn ảnh hưởng ra sao tới năng lực của vũ trụ này?
Nếu bạn không thể trả lời những câu hỏi này một cách có ý thức, làm sao mà bạn lại mong cầu tìm gặp được Niết Bàn?

Niết Bàn không thể nào chứng được khi còn trong trạng thái biện bạch về mặt luân lý hay phủ nhận về mặt tâm lý.


Tám mươi tám
_______________

Nghiệp thời hoặc thiện hay bất thiện.
Không có nghiệp chung chung không tốt cũng chẳng xấu.

Động cơ thúc đẩy trên thế gian là khởi điểm của Nghiệp.

Cho tới khi mà bạn còn làm gia tăng thêm Nghiệp của bạn, dù là tốt hay xấu, bạn không thể chứng đắc Niết Bàn.

Tại sao?
Bởi vì Nghiệp ràng buộc bạn vào lề thói nhân gian.

Ở nơi nào có tác động, có phản tác động.
Người ta có thể yêu bạn.
Người ta có thể ghét bạn.
Chủ yếu, cũng như nhau thôi.

Nếu bạn bị giam hãm trong chu kỳ vô tận của nghiệp,
     dù nghiệp của bạn tốt hay xấu,
tác động cũng chỉ tương ứng như phản tác động mà thôi.
Cái này cũng chỉ tương ứng như cái kia.
     Như thế, chu kỳ sẽ không bao giờ bị phá vỡ.
Hãy ngưng lại.
Hãy hiện hữu.
Hãy buông xả mọi lề thói trần gian.
Nghiệp dứt.
Niết Bàn thuộc về bạn.


Tám mươi chín
_______________

Nghiệp là điểm khởi nguồn của một đời sống tan vỡ.
Một cuộc sống tan vỡ khiến bạn không thể chứng ngộ được Niết Bàn.

“Tôi đã từng xấu xa, nên tôi phải khổ đau.”

Cứ như vậy, bạn tự đưa bạn xuống đường đời đầy những kinh nghiệm tiêu cực và cảm thấy việc đó là đúng đắn.

“Tôi đã từng làm tốt,
nên tôi xứng đáng đươc hưởng những điều tốt lành.”

Nếu không được hưởng như ý muốn, bạn cảm thấy như bạn bị dối lừa vậy.

Nghiệp không phải là con đường dẫn tới Niết Bàn.
Nghiệp là con đường đưa tới công lý.
Công lý không dính dáng gì tới chứng ngộ cả.
Công lý liên hệ tới văn hóa, xã hội, và cái nhìn của
thế nhân dựa trên sự phán xét tốt và xấu.

Hãy làm những việc thiện nhưng đừng mong cầu kết quả.
Đừng cầu mong gì thời bạn sẽ tự do, không vướng mắc.

Không vướng mắc bạn lập tức chứng ngộ được Niết Bàn.


Chín mươi
_______________

Đời sống ngẫu nhiên diễn tiến.

Lúc một cái gì đó lộ vẻ tiêu cực xảy đến, người ta thường tập trung mọi sự nhận thức của họ vào việc thử tìm hiểu xem nguyên do gì đã gây ra biến cố đó.

Bạn đã từng bao lần tự hỏi, “Sao lại tôi?”

Người ta hay viện dẫn đến khái niệm Nghiệp để biện minh.

“Việc đó đã xảy ra vì khi ấy tôi đã làm cái đó?”
“Có thể vì tôi đã hành động như vậy với người đó?”
Hay, “Tại sao thế? Tôi không đáng bị như vậy!”

Bạn có thể ngồi quanh khắp nơi để tìm hiểu xem tại sao.
Bạn có thể thắùc mắc về lý do biện minh cho cái đó.
Hay, bạn có thể chấp nhận rằng cuộc đời là cuộc đời,
rằng việc gì đó đã phải xảy ra,
và tiếp tục hướng tới.

Đường nào bạn nghĩ rằng sẽ dẫn bạn tới giác ngộ?


Chín mươi mốt
_______________

Các tư tưởng phát sinh ra những ý kiến.
Những ýù kiến nảy sinh ra các sáng tạo.
Các sáng tạo khiến cho mọi sự việc xảy ra.
Mọi sự việc xảy ra tạo thành Nghiệp.

Nếu bạn không có tư tưởng để làm phát sinh ra ý kiến
sáng tạo một cái gì thời bạn đã không đem thi hành cái đó.
Vì thế, người ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi cái đó và bạn không phải hứng chịu Nghiệp với các chúng sinh liên hệ. 

Trong Thiền, mỗi ngày bạn dấn bước vượt trên tư tưởng.
Không có tư tưởng, không có sự việc gì mới được sáng tạo.
Khi không có sự việc gì mới được sáng tạo, sẽ không có Nghiệp mới.
Khi không có Nghiệp mới thời bạn tự trọn vẹn với bản thân. 
Bản thân trọn vẹn, vũ trụ sẽ an lạc đúng như nguyên thủy.

Bạn không cần phải sáng tạo để hiện hữu.


Chín mươi hai
_______________

Người ta đánh đổi sự hưởng thụ Ý Thức Giây Phút Hiện Tại của họ với sự thỏa mãn giác quan. 


Bạn có thể theo đuổi điều gì bạn muốn và đạt được cái đó.
Điều này dễ thôi.
Bạn có thể tìm kiếm và sẽ thấy.
Điều này cũng dễ thôi.
Bạn có thể nói, “Tôi chẳng cần cái gì cả và tôi cũng không muốn chi hay cần ai.”
Điều đó cũng dễ.

Bởi vì tất cả những điều này đều nằm trong địa hạt
tham dục mà bạn ham muốn với đủ mọi lý do.

Hãy buông xả những cái mà bạn ham muốn là bước đầu hiểu được về Thiền.

Thiền dạy Mushin, “Vô Tâm.”

Vô Tâm là nơi độc nhất ở đó có thể tìm được Niết Bàn.


Chín mươi ba
_______________

Mushin no Shin, “Cái tâm vô thức.”

Cuộc đời dạy rằng có ý thức.
Thiền dạy rằng có ý thức trong sự vô thức.

Cái tâm tin tưởng rằng chính nó có ý thức thời thật ra lại
vô ý thức nhất.


Nó tự tách biệt ra khỏi cái toàn vẹn của sự đồng nhất,
nhất tướng hỗ tương.

Bạn tự giam mình vào trong tâm của bạn
là bạn tự giam mình vào trong cái ngã của bạn.
Giam hãm trong bản ngã, bạn nhìn cuộc đời đầy hận thù;
tràn đầy những tham dục không được thỏa mãn,
những vật bạn không thể có được,
những con người bạn không thể kiềm chế được,
và những việc bạn phải làm,
bởi vì kết quả biện minh cho phương tiện.

Hãy buông xả tất cả mọi lời biện minh vô nghĩa.
Hãy tham Thiền.




Chín mươi bốn
_______________

Tư tưởng đặt ra những vật cản trở trên con đường
tới chứng ngộ của bạn.   
Tại sao?
Bởi vì tư tưởng là niềm tin.
Từ niềm tin xuất phát ra quan niệm về cái đúng và cái sai.
Từ đúng và sai mới xuất phát ra sự tranh chấp.

“Tôi biết. Bạn thời không biết.”
“Con đường tôi đi là đúng bởi vì những kinh điển và
đạo sư của tôi đã dạy như thế.
Vậy có nghĩa là con đường của bạn sai lầm.”

Các tư tưởng không bao giờ đưa lối tới chứng ngộ.
Không có tư tưởng, không còn xung đột.
Không xung đột, con đường đưa tới Niết Bàn
mới được hiển lộ ra.



Chín mươi lăm
_______________

Hiện hữu trong Mushin, “Vô Tâm”, bạn chẳng cần lưu tâm rằng bạn đúng hay sai.
Bạn không lưu tâm tới những kinh điển hay những lời mà một bậc đạo sư đã nói.
Bạn hiện hữu, như vậy là có bạn.

Chỉ đơn thuần hiện hữu thôi,
bạn đã đạt được sự viên mãn rồi.


Chín mươi sáu
_______________

Ushin no Shin, “Cái tâm tự ý thức được tâm.”

Với một cái tâm có ý thức,
bạn muốn những điều mà bạn muốn,
cách thức mà bạn muốn những cái đó.

Bạn tính toán,
bạn hoạch định,
bạn trù liệu một phương cách để thành đạt điều bạn muốn.
Đây là ý thức về bản ngã.
Bất kể xã hội tân tiến hứa hẹn là bạn sẽ đạt được những điều bạn mong muốn trong lòng nhiều hay ít, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ được mãn nguyện, bởi vì bản ngã không
vĩnh cửu. Nó bị lạc lõng trong giới hạn của khát vọng và tham dục tạm thời.

Với tâm tập trung vào tâm,
đời sống mất đi cái tính tự nhiên và tự phát.
Không có tính tự nhiên, vẻ toàn hảo của vũ trụ bị che lấp,
vì những tham dục vượt trội cái không thể giải thích được.

Với tâm tập trung vào bạn,
bạn sẽ không bao giờ buông xả bạn được.
Bám chặt vào bạn, bạn có thể đạt được cái gì mà bạn nghĩ là bạn muốn, nhưng bạn sẽ không tìm được sự giác ngộ.

Sự giác ngộ không thể tìm thấy được trong một cái tâm chỉ chú trọng lo cho chính nó.

Hãy buông xả đi.


Chín mươi bảy
_______________

Cái tâm suy nghĩ không thể hiểu được Vô Tâm.
Cái tâm suy nghĩ có thể nói về Vô Tâm.
Cái tâm suy nghĩ chỉ có thể cố thử mô tả Vô Tâm.
Nhưng, Vô Tâm chỉ hiện hữu trong bạn.

Hãy buông xả những kỹ thuật và giáo điều
và sẽ chợt dễ dàng tìm thấy Vô Tâm ngay.


Chín mươi tám
_______________

Trong Mushin (Vô Tâm), không có chướng ngại.
Tại sao?
Bởi vì bạn để mặc mọi thứ diễn tiến y theo nguyên trạng.
Bạn không chống lại con đường chuyển biến tự nhiên của kiếp nhân sinh của bạn.

Trong Mushin, những tư tưởng về chính mình và những điều mà bạn khát khao không thể được phép tước đoạt đi
cái toàn hảo của giây phút này.

Mushin thời dễ dàng.
Hãy nhìn sâu vào chính mình.
Xác định tất cả mọi tham dục của bạn.
Khi bạn bắt đầu quan sát chúng thật kỹ bạn sẽ khám phá ra được là chúng thật sự vô nghĩa đến mức nào.
Hãy chứng kiến chúng lìa xa bạn,
tiêu tan một cách tự nhiên trong không gian.

Khi không có tham dục, bạn không cần bận tâm gì cả.
Bạn sẽ thấy mọi sự vật đều toàn hảo biết là bao.
Chứng kiến sự toàn hảo, bạn hiểu ngay được Mushin.


Chín mươi chín
_______________

Bạn được sinh ra.
Bạn sống.
Rồi bạn qua đời.

Khái niệm của bạn về bản ngã chỉ tồn tại trong thời gian chuyển tiếp từ lúc sinh tới lúc chết.
Như thế, bản ngã không bất diệt.

Nếu cái tôi chỉ là nhất thời, tại sao bạn lại đặt nhiều
tầm quan trọng vào việc phục vụ những nhu cầu của nó?

Hãy buông xả cái tạm thời và sẽ chứng ngộ Niết Bàn.


Một trăm
_______________

Một khi mà bạn còn ở trên Con Đường Đạo bạn chưa thể chứng ngộ Niết Bàn.

Một con đường chỉ đơn thuần là một lối đi.
Nó dẫn dắt bạn vào một hướng.

Con đường dẫn bạn, nhưng chính bạn là người phải đi tới.

Bạn có đang ở trên Con Đường Đạo không
Hay bạn đang gặp gỡ Niết Bàn?



Một trăm lẻ một
____________________

Có sự chạm trán ở mọi nơi nếu bạn muốn tranh chấp.   
Có những người họ muốn đánh bại bạn, làm bạn thất bại, vượt trội hơn bạn, và ngay cả xứng hợp với bạn.

Để làm được điều này, họ có thể thực hiện bất cứ việc gì hầu đạt được sự chiến thắng cho họ.

Nếu bạn tham gia chiến đấu, họ đã thắng rồi,
bởi vì họ đã lôi kéo được bạn vào trận chiến.

Nếu bạn đua tranh, họ đã thắng rồi, bởi vì bạn đã
tự hạ mình xuống cái cõi trần tục đánh giá bởi
những kẻ thắng và người bại.   

Không có những kẻ thắng,
không có những người bại,
không có Nghiệp.

Hãy bỏ ra đi.

 Một trăm lẻ hai
____________________

Nếu thắng một cuộc chiến đấu thời bạn đoạt được cái gì?  Nếu bạn tham gia vào một cuộc tranh chấp và đánh bại
đối phương của bạn thời kẻ nào đã thực sự thua?
Những cuộc chiến đấu cũng chỉ tạm thời như những kẻ
tiến hành cuộc chiến.
Những cuộc chiến đấu làm nảy sinh ra tổn thất.
     Mất những người thân yêu,
     mất danh dự,
     mất sự bình thường của sự vật.

Làm sao mà một cuộc chiến lại mang tới sự công bằng,
khi có quá nhiều người khổ đau?

Có chấp nhận thời không còn tranh chấp.

Không tranh chấp là Thiền.


Một trăm lẻ ba
____________________

Thế giới chung quanh bạn có thể:
đương đầu với nhau,
cạnh tranh nhau,
khát khao,
ngay cả bạo động nữa,
nhưng chính là do bạn chọn lựa nếu bạn muốn vào
cái nơi cuồng điên đó.

Hãy ngồi với sự hiện diện của những kẻ chưa giác ngộ,
Hãy để mặc họ tranh chấp với những cuộc chiến của họ.
Đừng nên tham dự vào,
và họ sẽ quay qua bạn để tìm kiếm hòa bình.
Khi họ làm như vậy,
đừng nói gì cả, đừng làm gì cả,
vì nếu không cho đi cái gì, thời không có cái gì cần trả lại.

Họ sẽ học hỏi được từ sự yên lặng của bạn và dễ dàng
trở nên giống như bạn – lặng yên.

Khi đó thế giới sẽ lại có cơ hội tiếp tục tiến trình toàn hảo của riêng nó.


Một trăm lẻ bốn
____________________

Âm và dương.

Nếu bạn phải suy nghĩ về việc liệu xem bạn có được
thăng bằng hay không, như thế là bạn đã mất quân bình rồi.
Quân bình là trạng thái nhất tướng.
Là thấu hiểu rằng bạn và vũ trụ cùng có mối tương quan chung một bản thể.  

Cái gì khiến cho một người bị mất quân bình?
Là khi không thấu hiểu rằng sự quân bình là cái trình tự
tự nhiên của mọi vật.
Điều này khiến người ta cứ nỗ lực để chỉnh đốn lại mọi vật.

Sự cố gắng, trong mọi trường hợp, khởi sự gây ra
những yếu tố thống khổ cho con người.

Hãy hiện hữu bình thản và an nhiên tự tại.
Phấn đấu thời bạn chẳng được như vậy nữa.


Một trăm lẻ năm
____________________

Âm và dương chỉ rõ tính chất của nhị nguyên.

Tôi là cái này,
bạn là cái kia.

Tôi đúng,
bạn sai.

Tôi là đàn ông,
bạn là đàn bà.

Tôi da trắng,
bạn da đen.

Nhị nguyên tạo ra cuộc sống.
Nhị nguyên tạo ra Nghiệp.
Nhị nguyên không tạo ra sự giác ngộ.

Hãy bước vượt ra khỏi nhị nguyên.
Hãy coi chính bạn là một thành phần tương giao hòa hợp với mọi thứ.
Hãy để tâm bạn hòa nhập với nhất tướng.
Và bạn sẽ chẳng còn vướng Nghiệp.


Một trăm lẻ sáu
____________________

Nếu bạn yêu thích Địa Ngục
nó trở thành Thiên Đường.

Tốt và xấu
tất cả đều là viễn cảnh của bạn, quan điểm của bạn.

Nếu tốt và xấu, đúng và sai dựa vào cá nhân,
thời chỉ cần bạn phải vượt khỏi cái tính chất cá nhân
của bạn là chứng ngộ được Niết Bàn.

Hãy chỉ là một, là nhất thể.
  
Một trăm lẻ bảy
____________________

Mọi người đều muốn lên Thiên Đàng
Nhưng chẳng ai muốn chết.

Người ta muốn thánh thiện,
nhưng chỉ khi nào được mọi người biết là họ thánh thiện.
Cho nên họ mặc vào một loại quần áo nào đó hay
nắm giữ một tước vị đặc biệt.

Thánh thiện có cái giá của nó, nhưng không đạt Niết Bàn.

Giác ngộ cũng có cái giá của nó, đó là tự ngã của bạn.
Một khi mà bạn còn ưa thích thánh thiện hơn giác ngộ,
Không thể chứng đắc được Niết Bàn.

Làm thế nào mà bạn buông xả được lòng ham mưu cầu thánh thiện?
Bước thứ nhất:
Không màng để ý tới là có người nào đó biết rằng
bạn đã giác ngộ hay không.


Một trăm lẻ tám
____________________

Nếu bạn hứa thiền định vào cùng một giờ giấc mỗi ngày,
kéo dài cùng một thời gian nhất định,
với hy vọng sẽ đạt được giác ngộ,
bạn sẽ chẳng bao giờ được quang minh tỏ ngộ cả.

Niết Bàn không hay biết đến giờ giấc.


Một trăm lẻ chín
____________________

Cửa vào giải thoát thời mở rộng.

Bạn không thể nhìn thấy nó rộng mở bởi vì bạn nghĩ rằng bạn biết mình sẽ cảm thấy như thế nào và sẽ làm gì
khi bạn tới đó.

Tại sao?
Vì những vị có danh hiệu “Giác ngộ” đã nói dối với bạn.

Có người giác ngộ nào tự cho là họ đã giác ngộ hay không?
Nếu họ tự nhận như thế, tức là họ chẳng giác ngộ chi cả.

Vì họ chưa giác ngộ,
Làm sao họ có thể nói cho bạn biết giác ngộ như thế nào?

Thiền có đó.
Bạn hiện hữu.
Hãy ngưng tin tưởng.
Hãy khởi sự chứng nghiệm đi.


Một trăm mười
____________________

Sách vở, những bài giảng thuyết và những lớp học
đưa tới sự am hiểu.

Sự am hiểu đưa tới kiến thức.

Kiến thức không phải là giác ngộ.

Kiến thức là,
“Tôi biết.
Bạn không biết.
Để tôi dạy cho bạn.”

Hiểu được thế nào là ảo tưởng thời dễâ dàng.

Không ai có thể dạy cho bạn về Niết Bàn.

Niết Bàn không thể hiểu được.
Nó vượt xa hơn các lời giáo huấn.


Một trăm mười một
____________________

Những người thiếu nhận thức dùng cái Đầu Óc Suy Tư để toan tính dạy về Vô Tâm.

Họ đưa ra cho bạn những phương pháp phức tạp để bạn
tìm đường mà đến với cái không.

Họ đề xướng cho bạn những Thần Chú bí mật để bạn sẽ
có được sự tập trung vào thiền định.

Họ nói bạn phải ngồi xuống, chỉ suy tưởng tới Thần Chú chứ không được nghĩ ngợi gì khác và
bạn sẽ chứng ngộ được Niết Bàn.

Nhưng từ những phương pháp sẽ phát sinh ra việc định giá.
Từ định giá phát sinh ra phán xét.
Từ phán xét nảy sinh ra cấp bậc.
Từ cấp bậc nảy sinh ra tước vị.
Từ tước vị phát sinh ra cao thấp.
Từ cao thấp nảy sinh ra tự ngã.
Từ tự ngã phát sinh ra ảo tưởng.

Các phương pháp không phải là đường đưa tới Niết Bàn.
Các phương pháp chỉ là những con đường dẫn đến ảo tưởng.

Bạn có thể ngồi được bao lâu mà không dấy lên
một tư  tưởng?  

Nếu bạn trả lời được câu hỏi này, tức là bạn chỉ tập trung
vào phẩm chất của phương pháp của bạn mà thôi.


Một trăm mười hai
____________________

Một số người muốn làm môn đồ.

Họ cần tin tưởng rằng một số người khác thông hiểu
nhiều hơn họ.

Có điều chắc chắn là bạn không thể biết được tất cả
những câu trả lời.

Nhưng những câu trả lời là gì?
Có phải đó chỉ đơn thuần là những nhận thức có tính cách cá nhân về sự tác động lẫn nhau trong vũ trụ?

Khi có người nào đó nói là họ hiểu biết,
họ chỉ biết những điều mà họ biết thôi.

Bạn biết những cái gì?
Bạn có lẽ biết nhiều hơn những thứ mà bạn nghĩ rằng
bạn hay biết.



Một trăm mười ba
____________________

Thế giới cung cấp cho chúng ta một số lượng lớn
Vấn Đề Tâm Trí.
Nhu cầu phải là:
to lớn hơn,
tốt đẹp hơn,
mạnh khỏe hơn,
mảnh dẻ hơn,
thông minh hơn,
giàu có hơn,
hấp dẫn hơn.

Thiền đem cho chúng ta một số lượng lớn Vấn Đề Tâm Trí:
Nhu cầu phải là:
thanh khiết hơn,
bớt chạy theo vật chất,
bớt tham dục,
quán tưởng nhiều hơn,
giác ngộ nhiều hơn.

Vấn Đề Tâm Trí là Vấn Đề Tâm Trí.
Niết Bàn vượt xa hơn Vấn Đề Tâm Trí.

Con người bình thường có bao giờ thắc mắc xem họ là ai hay tại sao họ lại có chiều hướng như thế không?

Trong Thiền, người ta được cho hay biết rằng cái đơn giản nhất là cái thanh khiết nhất. Tuy nhiên bậc Thiền sư chưa giác ngộ lại bỏ cái đơn giản đi và thay vào đó bằng cái ảo tưởng của Vấn Đề Tâm Trí.

Niết Bàn không lệ thuộc gì tới Vấn Đề Tâm Trí.
Ngay cả cái Vấn Đề Tâm Trí đó được tạo ra bởi Thiền.


Một trăm mười bốn
____________________

Ý thức là khoa học đơn giản nhất.

Tuy nhiên, vì bản tính trừu tượng của ý thức, nó lại là
khoa học khó định rõ đặc điểm nhất.

Bởi vì ý thức trừu tượng như thế, người ta có thể nói bất cứ điều gì về ý thức mà họ muốn và vẫn có người tin theo họ.

Lòng tin tưởng có phải là sự giác ngộ không?
Không, giác ngộ là buông xả lòng tin tưởng,
bước vào ý thức riêng của bạn,
và hội nhập với sự hiểu biết riêng của bạn về vũ trụ.


Một trăm mười lăm
____________________

Có vẻ đẹp trong đường bay của chim.
Có dáng uyển chuyển của muông thú chạy trong rừng.

Nhưng bản chất của chúng là bản chất của chúng,
chúng có cái kiểu cách sống riêng tư.

Nhìn vào chúng để tìm một con đường dẫn tới giác ngộ
là tước bỏ mất sự toàn hảo ý thức của cả người lẫn thú.

Bạn hãy là banỉ.
Hãy quý những khuyết điểm và những nhược điểm của bạn.
Hãy chấp nhận sự hoàn chỉnh bẩm sinh của riêng bạn.
Và sự giác ngộ chẳng cần phải đi ở tìm nơi nào khác.  


Một trăm mười sáu
____________________

Có dược phẩm nào mang lại cho bạn sự giác ngộ không?

Một dược phẩm có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái.
Một dược phẩm có thể mang lại cho bạn
những kinh nghiệm mới mẻ.
Một dược phẩm cũng có thể tạo cho bạn trông thấy
những ảo ảnh mà bạn tin rằng là có thực.

Cái gì có thực?
Có phải cái gì có thật là không thật chăng?

Nếu một loại dược phẩm có thể cho bạn giác ngộ,
thời tại sao khi hiệu lực của thuốc tan đi – chỉ để lại
cho bạn cái nhớ về kinh nghiệm mà thôi?

Niết Bàn hiện hữu đó,
khi không có cái gì khác nữa.


Một trăm mười bảy
____________________

Nếu như Niết Bàn tới trong một cái hộp.

Bạn có sẽ mở nó ra hay không?
  

Một trăm mười tám
____________________

Không có Thực Tại.

Đã bao nhiêu lần bạn lái xe tới một địa điểm nào đó,
rồi chỉ để nhận thấy rằng bạn không còn nhớ gì đến
vài dặm đường sau cùng đã đi qua?

Đã bao nhiêu lần bạn ăn xong một bữa, mà không
thưởng thức một chút mùi vị nào?

Đã bao nhiêu lần đang kinh qua một việc gì đó bạn chợt nhận ra rằng bạn đang sống với kinh nghiệm này nhưng lại không có chút kinh nghiệm nào về việc đó?

Vì sự công kích dữ dội của thế giới tân tiến, nhiều người đã vô tình ngăn chận không để thân và tâm của họ thật sự
trải qua kinh nghiệm gì trong giây phút nào đó. Điều này đưa tới một cuộc sống xa lạ không có tác động hỗ tương với chính bản thân họ.

Nếu không có sự tác động hỗ tương với chính mình, thời cuộc đời trôi qua trong một trạng thái mờ ảo, và sự chứng ngộ chỉ đến với những ai biết sống với giây phút hiện tại của họ mà thôi. 


Một trăm mười chín
____________________

Giác tỉnh.

Bạn cảm thấy thế nào?
Nói: “Tôi cảm thấy khả quan,” không phải là câu trả lời.
Bạn thật sự cảm thấy thế nào ngay lúc này đây?
Hãy để tâm trí của bạn xem xét cẩn thận từng bộ phận
trên thân thể bạn: những ngón chân, bàn chân, ống chân,
ngón tay, cánh tay, thân mình, cổ và đầu.
Sau khi bạn đã khảo sát các thành phần thân thể bên ngoài của bạn rồi, hãy hướng sự chú tâm vào bên trong thân bạn.
Hãy quan sát lâu và chăm chú nhưng đừng phê phán.
Hãy chứng nghiệm xem bạn là ai.

Không ai có thể nói cho bạn cách cảm nhận như thế nào.
Không có cái đúng và cái sai.
Sự chứng nghiệm của bạn về bạn là kinh nghiệm của bạn về bạn.

Nếu bạn không biết bạn,
Bạn không thể biết Niết Bàn.

Hãy tìm hiểu chính bạn một cách sâu sắc, lần đầu tiên.


Một trăm hai mươi
____________________

Sự giác ngộ không thể căn cứ vào sự phủ nhận.
Sự giác ngộ không thể dựa vào sự giả bộ.
Không phải bạn muốn trở thành một cái gì đó khác đi
mà giác ngộ được.
Không phải một ngày nào đó bạn hy vọng đạt được cái chi thời cái đó sẽ là giác ngộ.

Sự giác ngộ là của bạn, Ngay Bây Giờ.
Hãy hội nhập vào giây phút này và chứng ngộ nó.


Một trăm hai mươi mốt
_________________________

Nếu bạn muốn có lời giải đáp cho một câu hỏi,
bạn có thể tìm được một người nào đó cho bạn lời giải đáp.
Nhưng, lời giải đáp lại có ý nghĩa khác nhau khi hỏi
những người khác nhau, mỗi người mỗi ý,
dựa vào nhận thức cá nhân.

Nhận thức đưa tới ảo tưởng.
Bởi vì không thể có sự thật chung cho mọi người
trong một thế giới bị giới hạn bởi lý trí.

Nếu bạn không đi tìm câu trả lời thời bạn sẽ không bị
người ta dối gạt.
Không bị dối gạt, bạn sẽ khỏi vướng mắc vào mánh khóe lừa bịp.
Tránh khỏi mánh khóe lừa bịp, bạn có thể lao vào cuộc đời với những giao tiếp ung dung tự tại của chính bạn.

Tự hiểu được chính bản thân mình, bạn sẽ nhìn thấy
thế giới rõ ràng hơn.
Vì chính chỉ có bạn là người quan sát nó.

Không tìm lời giải đáp, là con đường tới Niết Bàn.


Một trăm hai mươi hai
_________________________

Mọi thứ đều có một Điểm Nguồn Gốc:

vũ trụ,
cuộc sống vật chất,
những vấn đề của con người,
những tham dục,
ngay cả giác ngộ.

Tìm ra Điểm Nguồn Gốc là then chốt đưa tới giác ngộ.

Điểm Nguồn Gốc chỉ đạt được khi loại bỏ các vật trở ngại.    

Các chướng ngại vật được tạo ra bởi
xã hội, văn hóa, tôn giáo, khoa học,
và các tham dục của bạn.

Tại sao? Bởi vì người ta ham muốn một lời giải đáp.
Nhưng không có câu trả lời.
Cái gì ngày hôm nay đúng về mặt tôn giáo hay khoa học,
lại có thể sẽ sai vào ngày mai.
Cái gì được ham muốn vào ngày hôm nay,
sẽ bị quên lãng vào ngày mai.

Hãy dẹp ngay các vật trở ngại đi.
Hãy tìm kiếm Điểm Nguồn Gốc.
Bạn sẽ tìm gặp được cửa ngõ đưa tới giác ngộ.


Một trăm hai mươi ba
_________________________

Một trong những yếu tố chính ngăn cản bạn với Niết Bàn
là sự tập trung vào một mối xúc cảm riêng biệt – dù nó
tích cực hay tiêu cưc.

Những xúc cảm làm mê đắm.
Chúng làm bạn có cảm giác.
Những cảm giác làm kích thích thần kinh,
và tạo ra cho bạn một cảm quan tràn đầy sinh động.

Nhưng những xúc cảm không tồn tại mãi mãi.
Bởi chính ngay bản chất của chúng, chúng hiện đến
rồi lại ra đi.

Cảm xúc đưa tới cảm xúc, dẫn tới cảm xúc, đưa dẫn vào cảm xúc.

Bạn dễ xúc cảm như thế nào?
Bạn có bị chế ngự bởi những cảm xúc của bạn hay không?
Những cảm xúc của bạn sẽ hướng dẫn bạn tới Niết Bàn
như thế nào?


Một trăm hai mươi bốn
_________________________

Xúc cảm là một thứ ma túy.

Một khi đã thử nghiệm rồi, thời bạn
hoặc là thường xuyên ham muốn nó
hay tìm cách không bao giờ lại muốn như thế nữa.

Bạn đặt để đời bạn vào một khuôn mẫu hoặc là đối đầu hay là trốn chạy một cảm xúc nhất định.

Những cảm xúc không phải là Niết Bàn.
Những cảm xúc chỉ là những cảm giác.
Và cảm giác sẽ trôi qua mất đi.

Quang minh liễu ngộ không bao giờ mất dần đi.

Tùy bạn chọn lựa,
theo đuổi một đời sống đầy xúc cảm
hay ngộ nhập Niết Bàn.


Một trăm hai mươi lăm
_________________________

Tại sao bạn tức giận?

Vì bạn không đạt được những gì bạn muốn?
Vì người nào đó không cư xử theo đúng cách thức mà bạn mong muốn?

Bạn có thể nổi giận nếu bạn muốn.
Nhưng cơn giận dữ sẽ dẫn dắt bạn tới đâu?
Cơn giận dữ đưa tới đối đầu, sức khỏe yếu kém,
và không sung sướng.
Nó không đưa tới giác ngộ.

Bạn làm gì với cơn giận dữ?
Phải hiểu rằng cơn giận sinh ra bởi tham dục – ham muốn một cái gì đó phải đổi khác đi.

Nếu bạn đang sống trong những giây phút của bạn,
cho rằng mọi chuyện đều hoàn hảo,
thời cơn giận dữ không đời nào có thể nắm bắt đươc bạn.


Một trăm hai mươi sáu
_________________________

Thiền không phải là việc kiềm chế những cảm xúc của bạn.
Thiền là nói về sự chứng ngộ.

Giác ngộ không phải là lánh xa những xúc cảm của bạn.
Giác ngộ là việc chấp nhận cội nguồn của tất cả mọi thứ,
kể cả những xúc cảm của bạn.

Chấp nhận cội nguồn,
bạn sẽ hiểu lý nhân quả.

Hiểu lý nhân quả, bạn sẽ không còn bị điều khiển một cách không chính đáng bởi những xúc cảm tạm thời của bạn nữa.

Không bị chi phối,
tự bạn làm chủ chỉ huy.
Một bước tới gần với Niết Bàn.


Một trăm hai mươi bảy
_________________________

Bạn có thể ôm đồm những yếu tố thông thường của
cuộc sống con người:
     giận dữ nhất thời,
     tham dục chốc lát,
     kiếm tìm, mong đợi,
     và những xúc cảm chúng đưa đẩy bạn xuống biết bao 
     chiều hướng hỗn loạn,
     nếu bạn thích như vậy.

Hay, bạn có thể dập tắt đi bản chất tạm thời của cuộc sống con người hàng ngày và chứng ngộ Niết Bàn.

Đời bạn – bạn tự chọn lựa.


Một trăm hai mươi tám
_________________________

Người ta cho rằng giác ngộ có nghĩa là hạnh phúc.

Hạnh phúc thời cảm thấy thoải mái.
Hạnh phúc thời cảm thấy tốt hơn là buồn rầu.
Nhưng, sung sướng hạnh phúc là một xúc cảm.
Xúc cảm không tồn tại mãi mãi.
Chúng tới và chúng đi, bị thúc đẩy bởi tình huống
bên ngoài.

Sự giác ngộ vượt xa hơn niềm hạnh phúc,
bởi vì nó không bị thúc đẩy bởi cái gì cả.

Tự nó thời đầy đủ và trọn vẹn rồi.
Bạn thời có vậy không?


Một trăm hai mươi chín
_________________________

Nếu bạn tin theo Vũ Trụ Toàn Hảo –
cho rằng mọi thứ như thế là đúng vị trí của nó,
vậy là bạn đã đi vào cái được biết đến là
“Con Đường Ít Đề Kháng Nhất”, dễ dàng nhất.

Trong tâm trạng như vậy, bạn không còn đấu tranh với chính mình về những sự không thanh khiết của mình nữa.
Bạn không chiến đấu với thế gian về những sự bất công.
Bạn làm cái gì bạn cần làm, đó là bản chất của cuộc sống,
nhưng bạn không đặt nặng phần kết quả.
Không màng đến thành quả, mặc cho mọi việc ngẫu nhiên xảy đến.
Mọi việc ngẫu nhiên xảy đến, không có xung đột trong bạn,
bởi vì bạn chứng nghiệm sự toàn hảo của mỗi động tác trong cuộc đời của bạn và trong vũ trụ.
Khi không có tranh chấp.
mọi thứ diễn tiến như thế là đúng, kể cả chính bạn nữa.

Hãy bước vào Con Đường Ít Đề Kháng Nhất.


Một trăm ba mươi
____________________

Bạn có thể chứng kiến thế giới vật chất xảy ra
ở chung quanh bạn.
Bạn có thể theo rõi hành động của các chúng sinh khác.
Ngay cả bạn có thể ngồi lại và quan sát quãng đời của chính mình trôi qua, chờ cho nó kết liễu.
Hay, bạn có thể có ý thức và trở thành một kẻ tham gia
tích cực vào vở kịch thiêng liêng này.

Phải chăng bỏ chạy về một hang động là có thể hứa hẹn
đạt được giác ngộ?
Phải chăng trốn tránh cuộc đời có nghĩa là bạn sẽ gặp được Niết Bàn?
Phải chăng sống mà chối bỏ rằng bạn là một con người
với tính yếu đuối bạc nhược của kiếp nhân sinh sẽ hứa hẹn đạt đến quang minh?
Hãy buông xả tất cả các sự tin tưởng vô ý nghĩa
bị tuyên truyền bởi những kẻ không hiểu biết gì.

Hãy tìm hiểu đi và bạn sẽ biết.
Hãy hiện hữu và bạn sẽ liễu ngộ.


Một trăm ba mươi mốt
_________________________

Trong tiếng Nhật Bản, chữ Satori,
     là nói đến “Giác Ngộ Tức Thời”.

Đến từ hư không
nó đi về hư không.

Nó tồn tại và rồi nó lại biến đi.
Toàn hảo, giống như cuộc đời.

Đang ở nơi này – rồi biến đi.
chu kỳ hoàn thành.


Một trăm ba mươi hai
_________________________

Bạn không thể nắm giữ Satori (Giác Ngộ Tức Thời),
vì không có gì để nắm lấy được cả.

Bạn không thể định rõ tính chất của Satori,
Vì nó không phải là một vật.
Không là một cái gì cả,
nên nó là sự diễn đạt hoàn chỉnh nhất của Thiền.


Một trăm ba mươi ba
_________________________

Bạn có thể nhớ lại cái kinh nghiệm về Satori (Giác Ngộ Tức Thời), đó là bản chất của con người.

Nhưng nếu bạn muốn thử diễn tả về Satori,
cái tinh túy của nó sẽ mất đi.

Cái tinh túy của Satori bị mất đi này đã đưa tới rất nhiều bài giảng và nhiều bài viết chứa đầy cả một ngôi đền.

Người ta đã cố nắm lấy cái không của Satori,
để biến nó thành cái có.

Giờ phút nào điều này xảy ra, Satori không còn nữa.


Một trăm ba mươi bốn
_________________________

Người ta nói với thế gian rằng họ đã chứng nghiệm được Satori (Giác Ngộ Tức Thời) – rằng họ đã bước được vào cảnh giới của ý thức Vô-Tâm trừu tượng.

Nhưng vì chính bản chất của Satori mà nó không tồn tại
lâu dài.
Nắm giữ lấy nó,
định rõ tính chất của nó,
tự cho là đã đạt được nó,
chỉ khiến cho bạn sẽ không bao giờ lại có thể
chứng nghiệm được nó nữa.

Một khi đã chứng nghiệm rồi thời lại phải tìm cách
chứng nghiệm nữa.
Tìm cách chứng nghiệm nữa thời cái độc đáo khác thường của Satori mất đi luôn.
  
Một trăm ba mươi lăm
_________________________

Một số người, chỉ cần tiếp xúc với Satori (Giác Ngộ Tức Thời) một lần thôi là họ cho rằng như thế là đủ.

Từ sự chứng nghiệm đó, họ đòi hỏi địa vị, sự tiến triển,
và đòi gặp được cái tinh túy siêu phàm.

Không thể nắm được Satori, dù bạn có cố gắng gian khổ
thế nào chăng nữa.
Không thể quán triệt được Satori, dù cho bạn có làm gì chăng nữa.
Không thể ép buộc Satori phải tái xuất hiện, dù cho bạn có thiền định nhiều thế nào chăng nữa.
Satori chỉ có thể chứng nghiệm khi nó hiện hữu.

 Một trăm ba mươi sáu
_________________________

Cái hay đẹp của Satori (Giác Ngộ Tức Thời) là
tính nhất thời của nó.

Hãy cảm nhận nó – rồi để nó đi,
Hãy biết rằng cái gì không hiểu thời vẫn có thể hiểu được và rồi tiếp tục tiến tới.

Bạn sẽ làm gì sau Satori?
Hãy sống cuộc đời của bạn. 


Một trăm ba mươi bảy
_________________________

Người ta muốn tin tưởng rằng nếu họ tiếp cận được với
Ý Thức Về Vũ Trụ thời họ sẽ không bao giờ cần phải làm một cái gì lại nữa. Bề nào thời tất cả mọi nhu cầu và
mong muốn của họ cũng sẽ được đáp ứng.

Những nhu cầu và mong ước của bạn là do bạn chọn lựa. Nếu bạn có những nhu cầu và mong ước bình dị, chúng sẽ được thỏa mãn dễ dàng. Bạn càng ôm đồm nhiều thứ thời càng khó đạt được.     

Đó là lý do tại sao Thiền dạy về sự giản dị.
Càng giản dị càng đỡ nặng gánh.
Càng đỡ nặng gánh càng dễ dàng thành đạt.
Với ít thứ cần đạt được, cuộc đời trở nên dễ trọn vẹn.

Điều đó khiến cho bạn khỏi phải lo lắng gì.

Đừng nên tin tưởng rằng Niết Bàn sẽ đáp ứng mọi thứ
và như vậy bạn sẽ được giải thoát.

Được giải thoát, bạn có thể ngưng kiếm tìm và khởi sự
theo cuộc sống giản dị.

Khi bạn đạt tới điểm bình dị, bạn sẽ thấu suốt cái ảo mộng của cuộc đời.

Hiểu được vậy là liễu ngộ.


Một trăm ba mươi tám
_________________________

Nếu bạn có thể quên đi cả tham dục lẫn lo nghĩ trong
giây phút thời trong phút giây đó bạn được an lành.

Hãy để tâm bạn an tĩnh:
     không tham dục,
     không lo lắng,
     không quan tâm,
     không khổ não,
     không đớn đau,
     không tưởng nhớ.

Hãy buông xả và chứng đắc Niết Bàn.



Một trăm ba mươi chín
_________________________

Người ta thích chơi trò ăn mặc chải chuốt.

Họ mặc những áo choàng của thầy tu từ nền Văn Hóa Viễn Đông và hy vọng trông có vẻ giác ngộ hơn.

Quần áo bạn mặc có tạo cho bạn giác ngộ thêm hay không?



Một trăm bốn mươi
_________________________

Một số người tự cho là họ mặc cái gì
thời cái đó là vật nhắc nhở họ phải phấn đấu
để trở thành nhân vật thường khoác loại y phục đó.

Nếu bạn không biết được bên trong áo bạn mặc
bạn là con người thế nào,
thời cái áo khoác bên ngoài không có chút nghĩa lý gì cả.

Hãy trở nên giác ngộ,
và bạn sẽ diễn đạt được rõ ý nghĩa của sự giác ngộ.
Khi đó, cái kiểu cách của bộ quần áo bạn mặc chẳng có
tính chất quan trọng gì,
vì cái sự hiển lộ bên trong của bạn sẽ làm lu mờ cái y phục khoác bên ngoài.


Một trăm bốn mươi mốt
_________________________

Bạn có thể ngồi thiền trong nhiều giờ nếu bạn muốn thiền.

Thiền đặt để tâm bạn vào trong một cái kén như thế bạn không phải chạm trán với những cái không ưng ý của
thực tế thường ngày.

Thiền và từ bỏ cõi trần tục đã từng được truyền bá rằng đó là một con đường đưa tới giác ngộ. Nhưng từ bỏ cuộc đời thời minh chứng được cái gì?

Sự từ bỏ chẳng đưa ra được cái gì ngoại trừ có vẻ như một lý do thánh thiện hầu thoát chạy khỏi những lo lắng
căng thẳng của xã hội tân tiến.

Thoát chạy không thể coi là giác ngộ.
Trốn chạy giống như khuynh hướng thoát ly thực tế.
Thật dễ dàng tìm an lạc trong một hang động.
Nhưng bạn có thể tìm thấy được bao nhiêu phần giác ngộ?

Hãy tìm kiếm giác ngộ trong từng hoạt động của cuộc sống,
và bạn sẽ thấy được rằng cái tinh túy của Niết Bàn thật sự có ở khắp nơi và trong mọi việc mà bạn làm,
ngay cả trong những việc mà bạn không muốn làm.
  
Một trăm bốn mươi hai
_________________________

Bạn kỳ vọng hoàn tất được gì nếu bạn khước từ cuộc đời?

Bạn sẽ không phải đối phó với các vấn đề
trong công việc làm của bạn. 
Bạn sẽ không phải đương đầu với các mối quan hệ
đầy xúc cảm sôi động của bạn.
Nhưng, bạn sẽ sinh sống như thế nào đây?
Ai sẽ cung cấp cho bạn cái ăn?
Ai sẽ cung cấp cho bạn chốn ở?

Bạn có tin rằng chỉ đơn thuần vì khước từ cuộc đời mà bạn sẽ xứng đáng được cung cấp mọi thứ theo nhu cầu của bạn?

  
Một trăm bốn mươi ba
_________________________

Người thích vật chất trải qua gần suốt cuộc đời để phấn đấu mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng như vậy
sẽ được đáp ứng lại bằng những gì? Những tham dục
không toại nguyện và những nuối tiếc.

Các thầy tu trải qua gần suốt cuộc đời để phấn đấu
mong đạt được sự giác ngộ. Nhưng như vậy sẽ được
đáp ứng lại bằng những gì? Chỉ nhận thấy rõ rằng quý vị chưa đủ thanh tịnh, chưa đủ thánh thiện, hay chưa có đủ thiện Nghiệp để chứng đạt Niết Bàn.
Hai đường đều rất khác biệt, nhưng cùng chung kết quả.

Yếu tố chủ chốt, đó là sự cố gắng phấn đấu.

Đừng phấn đấu nữa.
Hãy bước vào Niết Bàn.

 Một trăm bốn mươi bốn
_________________________

Dù cho nghề nghiệp của bạn có vẻ như thánh thiện
đến thế nào chăng nữa,
không thể giành được Niết Bàn đâu.

Chỉ vì trong một số kinh điển có viết rằng dù sao thời
thày tu cũng thánh thiện hơn người thường tục,
như thế điều đó phải đúng hay sao?

Chỉ vì có một cá nhân đứng trên bục giảng kinh,
người mà bạn tin là một đạo sư đã giác ngô,
như thế điều đó phải đúng hay sao?

Ai làm nhiều điều ích lợi cho cuộc đời:
thầy tu ngồi thiền định suốt cả ngày và suốt cả đêm
hay người nông dân trồng táo để cho bạn ăn?

Không có thực phẩm thời không có sự sống.
Không có sự sống thời sự chờ đợi Niết Bàn không còn nghĩa lý gì.

Ai viết ra các kinh điển?
Các tu sĩ.

Ai nuôi các vị đó ăn?
Các nông dân.

Thế thì việc làm nào thánh thiện nhất?

 Một trăm bốn mươi lăm
_________________________

Những tu sĩ Phật giáo có quan tâm đến việc người ta
nhìn quý vị đó với cặp mắt như thế nào không?
Những tu sĩ Phật giáo có cạo đầu và mặc y áo không?

Nếu quý vị đó không quan tâm đến việc người đời
nhìn mình với cặp mắt như thế nào, thời quý vị đó đã chẳng tự làm mình khác biệt với những người khác trong cuộc đời.

Làm tu sĩ không phải là giác ngộ.

Làm tu sĩ chỉ đơn thuần là người tu hành.


Một trăm bốn mươi sáu
_________________________

Theo đường lối Bất Tác Động
nghe tựa như một lời phát biểu rất Thiền.
Nhưng một khi Bất Tác Động, cuộc sống ngưng tồn tại.
Cuộc sống trôi đi, Niết Bàn trôi đi. 

Niết Bàn là một kinh nghiệm sống.

Người chết có suy tưởng đến Niết Bàn hay không?


Một trăm bốn mươi bảy
_________________________

Biết nhiều hơn bạn không phải là có Tri Thức Tuyệt Đối.

Nhiều người sa vào ảo tưởng rằng nếu một vị thầy mà biết rất nhiều về một chủ đề cụ thể thì vị ấy đã giác ngộ rồi. 

Nghiên cứu mang lại tri thức.
Nhưng tri thức không thể coi như giác ngộ.
Giác ngộ đối lập hẳn với tri thức.

Biết điều này,
hãy xả bỏ điều biết này đi.


Một trăm bốn mươi tám
_________________________

Không có sự Truyền Thừa Giác Ngộ.

Niết Bàn không thể đem trao cho bạn được.

Niết Bàn cần phải Tự Mình Chứng Ngộ.


Một trăm bốn mươi chín
_________________________

Một ông thầy chỉ có thể truyền bá cho bạn tối đa là tới
cái bản ngã và cái tri thức của vị đó cho phép mà thôi.

Chính bạn là người chung cuộc phải tự mình Tìm Hiểu để chứng ngộ Niết Bàn.


Một trăm năm mươi
____________________

Hãy hành động để thành đạt.
Đừng hành động gì cả để khỏi đạt được cái chi.

Cần phải đi bước đầu tiên
Thì mới có thể hiểu được bước thứ hai.
  
Một trăm năm mươi mốt
________________________

Niết Bàn là hiện đang tại nơi đây,
     không vương mang tư tưởng là đi ra đó.


Một trăm năm mươi hai
_______________________

Trong tiếng Phạn, dịch theo nghĩa đen thời Niết Bàn là “Tịch Diệt,”
     khi cái bạn là ai không còn tồn tại nữa.

Lần sau mà bạn nghĩ tới Niết Bàn, hãy nhớ đến
cái định nghĩa này.

     Nhủ thầm không còn tồn tại nữa.
     Hãy quên bạn nghĩ bạn là ai.
     Trở nên tịch diệt,
     và bạn sẽ chứng đắc Niết Bàn.

Một trăm năm mươi ba
_______________________

Samsara là vòng luân hồi vô tận của tái sinh và
đầu thai vào kiếp khác, nó chỉ kết thúc khi một cá nhân
nhớ đến Niết Bàn.

Lời Nguyện Của Vị Bồ Tát là lời thề nguyền của một
cá nhân giác ngộ, hết đời này qua đời khác, hứa sẽ trở lại cái thế giới trần tục hỗn tạp này, cho tới khi tất cả
chúng sinh đều chứng đắc Niết Bàn.

Hành động vị tha – con đường chủ yếu dẫn tới Niết Bàn.


Một trăm năm mươi bốn
________________________

Theo lệ thường, nhiều tông phái Phật giáo đặt ra đủ loại quy luật, cách thẩm lượng và học thuyết để môn sinh
học Thiền phải theo đường lối đó mà nắm bắt được triết lý.

Những tông phái này có lĩnh hội được cái tinh túy
của Thiền hay không?

Thiền không phải là theo nghi thức.
Thực sự, nghi thức trực tiếp trái nghịch với Thiền.

Thiền là sự tương thông với Trí Tuệ Tối Cao và
đắc Phật Quả. Nghi thức khiến cho môn sinh khó đắc quả.

Vị giác ngộ có bị lệ thuộc vào nghi thức không?
Vị giác ngộ có cần những lễ nghi không?
Vị giác ngộ có cần theo các trình tự hành lễ hay không?

Không, vị nào đã giác ngộ không cần như thế.
Nhưng những vị nào cần như thế thường hứa hẹn là
phải theo các quy luật, lễ nghi và trình tự hành lễ thừa thãi kiểu đó thời mới mong tiến bộ từng bước một.

Nhiều vị thầy dạy Thiền không hiểu Thiền.

Hãy dẹp bỏ lời giáo huấn.
Hãy quên nghi thức đi.
Sẽ giác ngộ về Thiền.

Một trăm năm mươi lăm
_________________________

Một trong những điều chính yếu gây trở ngại cho việc chứng đắc Niết Bàn là vì nhiều người giữ những vẻ
nghiêm túc không cần thiết trên Con Đường Đạo.

“Tôi đang trên con đường cầu được giác ngộ, không có
hơi đâu mà bàn chuyện phù phiếm tầm phào.”

Tại sao người tầm đạo phải trông buồn rầu, ủ rũ?
Tại sao người tầm đạo không được tươi vui cười cợt?

Hãy buông xả đi những ấn tượng sai lầm.
Đừng giữ mãi hình ảnh những vị thầy tu thiền hành qua
các hành lang của vài tu viện, lần xuống nẻo đường
mong đạt được một vài hình thức giác ngộ nào đó,
họ trông thiếu niềm vui.

Niết Bàn không nghiêm túc.
Chỉ những người tạo vẻ nghiêm túc không cần thiết cho Niết Bàn mới là những người chưa hề được tưới tẩm
hạnh phúc thuần khiết của Niết Bàn.

Hãy cảm nhận cái tinh túy của Niết Bàn và hãy nở nụ cười.


Một trăm năm mươi sáu
_________________________

Một khi đã chứng đắc Niết Bàn thời mọi thứ khác
đã bị quên lãng đi.

     Hãy liễu ngộ Niết Bàn, quên đi mọi thứ khác.


Một trăm năm mươi bảy
_________________________

Không người nào có thể cho bạn Niết Bàn.

Đó là một tặng phẩm mà bạn trao tặng cho chính mình.


--- (HẾT) ---